Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dấu ấn ngành Nông nghiệp Hà Nội năm 2018

Năm 2018, ngành nông nghiệp cùng với các ngành kinh tế nói chung phát triển trong bối cảnh thuận lợi đan xen nhiều yếu tố bất thuận, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp của các ngành, các cấp; sự cố gắng của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là sự năng động của các doanh nghiệp nông nghiệp và sự nỗ lực của nông dân các huyện ngoại thành, nông nghiệp Thủ đô có một năm thành công và bứt phá, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện đa dạng, xây dựng nông thôn mới tiếp tục đi đầu trong cả nước.



Năm 2018, ngành Nông nghiệp Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật: Giá trị nông nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, tăng tỷ trọng sản phẩm có lợi thế và giá trị cao, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 31 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 325 xã, tỷ lệ đạt 84,2% - về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết HĐND Thành phố; đời sống người dân ngày càng nâng cao, đạt 46,5 triệu đồng/người/năm.

Năm 2018, là năm ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, giá trị gia tăng ước đạt 3,6% so với năm 2017, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch tái cơ cấu lại ngành. Ước giá trị  sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 36.374 tỷ đồng (giá cố định) và ước đạt 43.708 tỷ đồng (giá thực tế), bằng 104,71% so với năm 2017.

Về cơ cấu giá trị sản xuất: trồng trọt, lâm nghiệp 42,7%; chăn nuôi, thủy sản 52,86%; dịch vụ 4,44%.

Kết quả thực hiện trong từng lĩnh vực cụ thể như sau:

Về lĩnh vực trồng trọt: Ngay từ đầu năm 2018, các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao; phối hợp với các Sở, ban ngành, phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp nông nghiệp - thủy lợi trên địa bàn Thành phố thực hiện tốt việc chỉ đạo sản xuất, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch các loại cây trồng. Chi cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện tốt công tác dự báo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng nên không để dịch hại bùng phát góp phần bảo vệ sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm của ngành trồng trọt.

Với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/ha. Đến nay, Hà Nội đã tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100 ha tại 86 Hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30% so với lúa truyền thống. Xây dựng được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm và 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20ha/vùng cho giá trị từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể sản phẩm cây ăn quả và 04 nhãn hiệu tập thể lúa chất lượng cao.

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả, hướng tới xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị. Năm 2018, diện tích cây ăn quả toàn thành phố là 18.029,9ha với chủng loại chính: Bưởi, cam, nhãn, chuối (chiếm 60%); còn lại là táo, đu đủ, hồng xiêm, vải, xoài… Nhìn chung, các vườn cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm; một số vườn cho thu nhập từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 6-7 lần trồng lúa. Toàn thành phố có 924,5ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng... Đặc biệt, với những  nỗ lực không  nhỏ của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành thành phố, năm 2018 đánh dấu lô quả nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản của Hà Nội. Năm 2018, cũng là năm năng suất nhãn chín muộn tăng vượt trội so với các năm trước, giá trị sản phẩm hàng hóa ước đạt 875 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế ước đạt 575 triệu đồng/ha.

Về chăn nuôi, thú y: Ngành chăn nuôi Hà Nôi trong năm vừa qua đã tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, phát triển những giống mới có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,…Năm 2018, Sở NN&PTNT đã giao cho Trung tâm Phát triển chăn nuôi xây dựng giải pháp, lộ trình nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trong đó đẩy mạnh ứng dụng mã QR code để thực hiện minh bạch thông tin điện tử cho các sản phẩm chăn nuôi.

 Đến nay, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn Thành phố phát triển mạnh cả về chất và lượng, giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản chiếm 52,86% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Ngành nông nghiệp đã làm chủ công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo và sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao. Hiện nay, tỷ lệ lợn nái ngoại thuần và nái ngoại chiếm 86%, đàn lợn nái ngoại cao sản nhập từ Pháp, Đan Mạch cho năng suất sinh sản vượt trội, số lợn con cai sữa của đàn lợn nái ngoại đạt trên 25 con/nái/năm; tỷ lệ đàn bò thịt được lai tạo giống  bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh bò ngoại chất lượng cao như bò Lai Sind, Brahman, BBB, … đạt trên 90%.

Năm 2018, với sự giúp đỡ của các chuyên gia về khai thác và sản xuất tinh bò đến từ Australia, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội đã áp dụng thành công công nghệ khai thác tinh bằng thiết bị phóng tinh điện tử. Với công nghệ khai thác tinh hiện đại này sẽ góp phần cải tạo năng suất và chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, với mong muốn đưa ngày càng nhiều giống bò chất lượng cao phục vụ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố, từ năm 2017, Sở đã giao Trung tâm Phát triển chăn nuôi nhập tinh giống bò Wagyu(Guây – giu), giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới để đưa vào lai tạo. Đến nay, đã có khoảng 2.000 con bê lai F1Wagyu đã được sinh ra, tập trung chủ yếu tại Ba Vì. Năm 2018, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã kết nối doanh nghiệp với nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ bò thịt chất lượng cao Wagyu, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị thịt bò của Hà Nội, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Theo ghi nhận, bà con chăn nuôi rất phấn khởi, bởi với hình thức thu mua theo đơn giá của Công ty, bà con đã chênh được từ 2 đến 4 triệu đồng/con so với bán cho thương lái.

Với nhiều nỗ lực và cố gắng, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật. So với cùng kỳ năm 2017, tổng số đàn gia súc, gia cầm năm 2018 tăng 2,13%, cụ thể: đàn trâu 23.500 con, đàn bò 136 nghìn con (trong đó, bò sữa 14.133 con), đàn lợn 1triệu 772 nghìn con và đàn gia cầm các loại 31,5 triệu con.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt tăng 1,76%, trong đó: thịt trâu trên 1.600 tấn; thịt bò 10.660 tấn; thịt lợn gần 330.000 tấn; thịt gia cầm 96.786 tấn; Sản lượng trứng các loại đạt 1.530 triệu quả; Sản lượng sữa tươi đạt gần 39.600 tấn.

Tính đến hết năm 2018, Hà Nội có: 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm và 29 xã chăn nuôi gia cầm. Toàn Thành phố hiện có 4.276 trại/trang trại, trong đó có: 31 trại chăn nuôi bò sữa; 98 trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản; 1.171 trại chăn nuôi lợn và 2.976 trại chăn nuôi gia cầm.

Về nuôi trồng thủy sản: Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại một số huyện, như: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín và sản xuất theo hướng hàng hóa với sản lượng sản phẩm thủy sản tương đối lớn (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thủy sản sản xuất ra của Thành phố). Với các giống cá đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Cá chép lai Hunggari, trắm cỏ, cá rô phi,... nhiều mô hình cho lợi nhuận cao từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, năm 2018, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” cách sử dụng ao nuôi cá hiệu quả và thâm canh hóa đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng phổ biến, đã được triển khai tại một số huyện trên địa bàn thành phố, cho năng suất cao, lợi nhuận khoảng 200 -250 triệu/ha cao hơn 1,5-2 lần so với nuôi ao thông thường. Mô hình cho thấy hiệu quả nổi bật về kinh tế, xã hội, đặc biệt là về vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Kết quả lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt được thể hiện qua số liệu cụ thể sau (so với cùng kỳ năm 2017):

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 22.200ha, bằng 104,72%

- Sản lượng thủy sản đạt 115.000 tấn, bằng 122,84%

- Sản lượng thủy sản khai thác 1.500 tấn, bằng 90,53%

- Sản xuất cá giống các loại đạt 1.750 triệu con, bằng 112,9%

Về mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đến nay, toàn Thành phố có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình, Thanh Oai 9 mô hình, Phúc Thọ 8 mô hình, Đông Anh 8 mô hình, Đan Phượng 8 mô hình,... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Về mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Xây dựng và duy trì  121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Các mô hình chuỗi liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu tập thể, cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm nhằm phát triển các sản phẩm nông sản của Hà Nội nói chung, đồng thời, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm an toàn theo chuỗi nói riêng.

Về xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp: Để nâng cao năng lực cạnh của các doanh nghiệp và sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, trong năm vừa qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp các cấp, ngành, đơn vị tổ chức, tham gia các sự kiện, hội chợ, triển lãm về liên kết tiêu thụ và xúc tiến thương mại hàng nông sản. Qua đó, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của Hà Nội, đồng thời, các cơ sở, doanh nghiệp nông nghiệp Hà Nội  có cơ hội tìm được đối tác để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hình thành các chuỗi liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho sản phẩm trái cây và nông sản thực phẩm an toàn; triển khai “Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn thành phố Hà Nội”, nhằm kết nối cung cầu từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thông qua phần mềm điện tử.

Về xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân: Đến nay, Thành phố có 04 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức và 04 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018: Gia Lâm, Thạch Thất, Phúc Thọ và Quốc Oai.  Huyện Gia Lâm, Quốc Oai đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn năm 2018; có 325/386 xã (chiếm 84,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng thêm 31 xã so với cuối năm 2017.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng/ người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,1%.

Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI; Ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 2,5–3,0%; Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,19%; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 131,15 triệu đồng, tăng 8,9% so với năm 2018; Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã trở lên.

Tại tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đề nghị, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác... Đặc biệt, các đơn vị của ngành cần tiếp tục phát triển chuỗi liên kết "4 nhà", mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể của ngành Nông nghiệp; 6 đơn vị thuộc ngành được UBND thành phố tặng Cờ thi đua; 12 tập thể, 22 cá nhân được UBND thành phố tặng Bằng khen./.

            Lưu Thị Phượng