Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đào tạo lực lượng nông dân chuyên nghiệp

Muốn phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao cần có những nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất; có tri thức, tư duy làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, số lượng nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa nhiều. Vấn đề lúc này là cần nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về thị trường để người nông dân có thể quyết định sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của nền nông nghiệp hiện đại...



“Đầu tàu” dẫn dắt phát triển kinh tế nông thôn

Cùng với sự phát triển của thị trường nông nghiệp và công nghệ hiện đại, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những nông dân chuyên nghiệp giàu tri thức, giỏi làm ăn... Đơn cử như tấm gương Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam (tỉnh Khánh Hòa) Hồ Tấn Cược. Dưới sự chèo lái của ông, Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam trồng 11ha táo thái xanh trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 800 tấn sản phẩm, bán cho thương lái, hệ thống siêu thị, doanh thu gần 12 tỷ đồng.

Hay như ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh). Là người chịu khó học hỏi, ông Ngọc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trứng gia cầm và con giống. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, công ty bán ra thị trường 45 vạn con gà giống, cho doanh thu 4,5 tỷ đồng…

Những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành “đầu tàu” dẫn dắt bà con ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động, vươn lên làm giàu… Tuy nhiên, con số này không nhiều.  

Trưởng ban Kinh tế (Hội Nông dân Việt Nam) Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, trong sản xuất, phần lớn nông dân vẫn dựa vào kinh nghiệm truyền thống nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm. Mặt khác, các mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự phát còn nhiều; chất lượng lao động nông nghiệp còn hạn chế...

Còn theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH Ngô Tiến Dũng, hiện có một thực tế là nhiều nông dân thiếu kiến thức về thị trường, không biết sản xuất cái gì để bán cho doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp luôn mong muốn có được những vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Lê Đức Thịnh nhận định: Nguồn nhân lực trẻ từ nông thôn ra thành thị làm việc dẫn đến tình trạng lao động ở lại làng quê chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Thực hiện đề án đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2010-2020, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn rất thấp, chưa đạt yêu cầu... Hiện tại Bộ Nông nghiệp & PTNT đã xây dựng “Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2030”, trình Chính phủ phê duyệt, với nhiều đổi mới trong lĩnh vực này.  

Để có thêm nhiều nông dân chuyên nghiệp

Nông dân chuyên nghiệp phải là người có tri thức, am hiểu công nghệ, am hiểu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật; đồng thời có kiến thức về kinh tế, thị trường, vốn, tài chính… Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed (tỉnh Thái Bình) Trần Mạnh Báo cho rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương cần hỗ trợ nông dân tham gia những khóa đào tạo nghề, nâng cao kiến thức về thị trường để có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Lê Đức Thịnh, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh “tri thức hóa nông dân” thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp... Cùng với đó là xây dựng một số mô hình sáng tạo đổi mới trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân. “Nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam để quyết định sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với thị trường”, ông Lê Đức Thịnh nói.

Khẳng định xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường, hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập; đào tạo người nông dân chuyên nghiệp; tăng cường liên kết hợp tác, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm thúc đẩy toàn diện phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu; đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Để góp phần xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền nông nghiệp hiện đại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho nông dân; định hướng hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, lấy giá trị, hiệu quả làm mục tiêu phát triển; đồng thời thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm./.

NB (Theo Báo HNM)