Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đà Lạt: Phát triển mô hình nông nghiệp thông minh

Khi thời buổi công nghệ 4.0 đang trở thành xu thế, tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có nhiều thanh niên trẻ đam mê nông nghiệp dấn thân vào “làm nông”, áp dụng các giải pháp, công nghệ hiện đại để thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Định Farm là một trong những trang trại tại đường vòng Lâm Viên, phường 8, TP. Đà Lạt đi tiên phong trong việc ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng.



Trang trại Định Farm với diện tích canh tác khoảng 1ha và liên kết hơn 4ha với các nông hộ khác để sản xuất ra các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi thành lập trang trại, Định Farm luôn xác định “khi bắt tay vào làm nông nghiệp là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cơ sở của một nền nông nghiệp hiện đại. Chất lượng sản phẩm, sức khỏe của người sử dụng là tiêu chí mà Định Farm luôn hướng tới và quyết tâm thực hiện”. Để đạt được mục tiêu đó, anh Định không ngần ngại đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ sản xuất, tiếp cận các giải pháp, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình canh tác tại trang trại của mình.

Từ tháng 10/2018, được sự giới thiệu từ một người bạn, anh đã phối hợp với Công ty HiFarm (chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh) để thử nghiệm ứng dụng công nghệ HiFarm vào vườn sản xuất của mình. Sau khi chuẩn bị xong các trang thiết bị cần thiết, anh đã mạnh dạn bắt tay cùng Công ty đặt thử nghiệm ứng dụng HiFarm trên diện tích 3.000m2 đất canh tác tại vườn. Qua đó, anh đã được đơn vị đối tác chuyển giao toàn bộ kỹ thuật cần thiết để lắp đặt một hệ thống hoàn chỉnh. Các thiết bị cảm biến để đo ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đất, độ ẩm không khí, độ EC và pH được kết nối và điều khiển tự động giúp cho việc cập nhật các thông số, tổng hợp và phân tích tình trạng vườn mỗi ngày, qua đó đưa ra giải pháp chăm sóc tốt nhất cho cây trồng. Người chủ vườn chỉ với chiếc “smartphone” có kết nối Internet là có thể nhận thông báo và theo dõi tình hình trang trại mọi lúc, mọi nơi, điều khiển từ xa, dễ dàng kiểm soát và đưa ra quyết định xử lý kịp thời trong vườn của mình.

Anh Định cho biết, trên diện tích đặt thử nghiệm, hệ thống phân và nước được điều khiển qua 6 van điện tương ứng các khu sản xuất cây trồng riêng biệt như dưa peppino, dưa leo và các loại cà chua… có lắp các cảm biến đo độ EC và pH. Chỉ cần cắm 2 cảm biến này vào đất hoặc chậu giá thể là mọi thông số kỹ thuật được máy chủ xử lý, tiếp nhận và thông báo về ngay điện thoại khi mở ứng dụng HiFarm. Hơn 1 năm thử nghiệm ứng dụng HiFarm, tuy mới chỉ ứng dụng quá trình tự động hóa tưới nước và bón phân, nhưng ứng dụng HiFarm đã hỗ trợ anh rất nhiều trong việc quản lý vườn hiệu quả. Mỗi khi các thông số ở vườn có dấu hiệu bất thường, hệ thống sẽ cảnh báo về điện thoại qua ứng dụng HiFarm, từ đó giúp anh đưa ra hướng xử lý và “ra lệnh” ngay trên ứng dụng. Trong thời gian tới, nếu các hệ thống phun sương, quạt đối lưu, lưới cắt nắng… được anh lắp đặt và kết nối trực tiếp với hệ thống cảm biến trong vườn thì việc bật bằng tay các hệ thống này theo thời gian sẽ không còn, chủ vườn không cần phải trực tiếp chạy về vườn mà thông qua ứng dụng, chỉ cần một cái bấm nút lập tức các lệnh điều khiển được tự động vận hành theo hệ thống trong vườn, giúp anh tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức. Từ ngày áp dụng công nghệ HiFarm cho vườn dưa peppino và cà chua cherry, năng suất vườn tăng lên đáng kể do mỗi cây được chăm sóc theo đúng nhu cầu, với chức năng phát hiện được sâu bệnh, tình trạng dinh dưỡng của cây qua hệ thống nên giúp anh giảm bớt lo lắng do ảnh hưởng của thời tiết như hiện nay. Việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nên các sản phẩm rau, củ, quả tại Định Farm luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Các sản phầm này được phân phối trực tiếp vào hệ thống các nhà hàng, cửa hàng rau sạch tiện lợi, siêu thị mini ở các thành phố lớn và bán lẻ hơn 30% sản lượng cho các hộ gia đình và du khách đến tham quan trực tiếp tại vườn. Qua đó nâng cao được hiệu quả sản xuất, tăng giá trị nông sản khi giảm được các khâu trung gian.

Hiện nay, việc phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh tại thành phố Đà Lạt đã và đang được bà con nông dân dần tiếp nhận, qua đó cho thấy sự phù hợp với trình độ sản xuất của  nông hộ. Tuy nhiên, để đầu tư nông nghiệp thông minh đòi hỏi ở người nông dân phải có nguồn vốn đầu tư cao và đặc biệt phải có kiến thức và hiểu rõ tầm quan trọng khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Nhưng nếu làm được, nông hộ tiếp cận được kỹ thuật tiến bộ, tự động hóa toàn bộ quy trình chăm sóc cây trồng, tiết kiệm được nhân lực, kết hợp với quy trình sản xuất sạch và an toàn tạo ra các loại nông sản cao cấp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao được hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh trên thị trường./.

Văn Thọ