Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

Ngày 19/01/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Chương trình số 14/CTr-UBND thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.



  Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; Kết luận số 91-KL/TW ngày 22/10/2020 của Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình KTXH, ngân sách nhà nước năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; các Nghị quyết của Quốc hội: số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020, số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 về Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách năm 2021; các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 03/12/2020 Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố (Khóa XVII); các nghị quyết của HĐND Thành phố: số 15/NQ-HĐND ngày 07/12/2020 về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; số 20/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 14/CTr-UBND thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, để tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

  1. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (ứng dụng IPM, VietGAP, GlobalGAP...), “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp đô thị”; hình thành các trung tâm “công nghiệp - dịch vụ nông thôn”, các cơ sở chế biến nông sản, các sản phẩm có mã vạch truy xuất nguồn gốc điện tử. Phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 40%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp từ 4,2% trở lên.
  2. Tăng cơ cấu các giống cây có năng suất, chất lượng cao, đồng thời hạn chế diện tích đất bỏ hoang và khai thác có hiệu quả diện tích đất các bãi sông (các sông Hồng, Đà, Đáy, Đuống). Từng bước giảm diện tích đất trồng lúa và tăng diện tích trồng rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Diện tích trồng lúa khoảng 70% diện tích gieo trồng cây hàng năm, trong đó phấn đấu trên 60% diện tích trồng lúa chất lượng cao; trồng ngô khoảng 6%; trồng rau đậu các loại khoảng 14%; diện tích hoa, cây cảnh khoảng 3% gắn với hình thành các vùng hoa, cây cảnh tập trung với quy mô vừa và lớn từ 20-50 ha trở lên ứng dụng công nghệ cao, thông minh với các giống chủ lực như hoa ly, hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, hoa đào, các giống hoa mới nhập nội, các cây cảnh, cây thế. Phấn đấu trên 90% diện tích trồng cây lâu năm để phát triển cây quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản tại các huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên và Quốc Oai; Nhãn chín muộn tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ; Cam Canh tại huyện: Thanh Oai, Hoài Đức, Gia Lâm; chuối xuất khẩu tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Sóc Sơn. Xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn quy mô lớn từ 20-25 ha trở lên, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ. Phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng đồng thời nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 5,72%.
  3. Phát triển chăn nuôi sử dụng giống con có năng suất, chất lượng cao gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh. Ổn định đàn bò khoảng 150 nghìn con (tăng 11%), sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 13 nghìn tấn (tăng 18%); đàn lợn trên 1,8 triệu con (tăng 27,8%), sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 340-360 nghìn tấn (tăng 38%); đàn gia cầm ổn định khoảng 40 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 140-150 nghìn tấn. Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá; diện tích nuôi trồng khoảng 24.000 ha, trong đó diện tích thâm canh chiếm trên 50%, sản lượng 124 nghìn tấn. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường giám sát, kiểm dịch bệnh, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.
  4. Thực hiện tốt chương trình “Liên kết 4 nhà”, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Xây dựng mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn. Phát triển 400 sản phẩm OCOP; phấn đấu có 328 làng nghề được công nhận. Phát triển thêm 60 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; phấn đấu hằng năm có trên 05 mô hình HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, trên 05 mô hình HTX có liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phấn đấu giá trị dịch vụ của các HTX hằng năm tăng từ 10-15% và khoảng 67-70% số HTX hoạt động hiệu quả. Xây dựng sách trắng HTX.
  5. Tiếp tục phát triển nông thôn, xây dựng NTM; phấn đấu năm 2021 tất cả 382 xã đạt chuẩn NTM, có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 03 huyện đạt chuẩn NTM nâng tỷ lệ huyện đạt chuẩn NTM đạt 72,2%; thu nhập của người nông dân từ 58 triệu đồng/người/năm trở lên và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%.

Xem chi tiết Chương trình số 14/CTr-UBND ngày 19/01/2021 tại đây.

                                             Quách Gia Quỳnh, Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính,

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội