Đặc điểm hệ thống VTVL và vấn đề tiền lương
Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, có liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thực hiện chính sách tiền lương đúng không chỉ trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 27) Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) của Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, các cơ quan trên cả nước đang tiến hành triển khai xây dựng VTVL. Việc xác định VTVL là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách chế độ công vụ, công chức, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tuyển dụng, quản lý, đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức và cải cách tiền lương hiệu quả.
Theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức xác định VTVL là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế, bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính; là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phân loại VTVL:
Theo khối lượng công việc: do một người hoặc nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm.
Theo tính chất, nội dung công việc: VTVL quản lý, lãnh đạo. VTVL nghiệp vụ chuyên ngành/chuyên môn dùng chung (tài chính, thanh tra, pháp chế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng…); VTVL hỗ trợ, phục vụ…
Mỗi VTVL cần rõ các nội dung sau: Tên gọi của việc làm; nhiệm vụ và quyền hạn mà người tiếp nhận việc làm phải thực hiện; yêu cầu về năng lực mà người đảm nhận việc làm phải đáp ứng; tiền lương tương ứng với việc làm. Như vậy, việc làm theo quan niệm này đòi hỏi khả năng đáp ứng của người lao động đối với những tiêu chí đặt ra nhằm thực hiện được công việc mà vị trí yêu cầu. VTVL có ý nghĩa, vai trò quan trọng giúp tổ chức đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức từ tuyển dụng, quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến tiền lương.
Hệ thống nhân sự theo VTVL được xem là linh hoạt và cởi mở hơn với mục tiêu chính là tìm được người phù hợp nhất cho mỗi VTVL, tìm được ứng cử viên tốt nhất cho một vị trí. Có mấy đặc điểm chính như sau: Có một hệ thống VTVL được thiết kế theo những yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định, được tổ chức theo từng tính chất công việc. Tiêu chí tuyển chọn là năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu cụ thể của vị trí. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thể dễ dàng thay đổi vị trí công tác của công chức theo yêu cầu công việc dựa theo thành tích, công trạng và năng lực thực tế của bản thân công chức. Mỗi VTVL tương ứng với một mức lương cố định và sử dụng phổ biến công cụ hợp đồng lao động.
Với việc xác định VTVL ứng với một mức tiền lương nhất định cho thấy sự phù hợp giữa năng lực làm việc, kết quả, hiệu quả công việc của nhân viên ở vị trí đó với mức tiền lương nhất định, phù hợp.
Vận dụng vào nước ta, cơ sở của việc tính tiền lương theo VTVL dựa trên nguyên tắc đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn. Mỗi vị trí gắn với một ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức nhất định.
Căn cứ xác định: Có một hệ thống VTVL được thiết kế theo những yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định, được tổ chức theo từng tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc; mức độ phức tạp, quy mô công việc; mức độ hiện đại hoá công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin…
Tiêu chí xem xét cơ bản là năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu cụ thể của VTVL thông qua mô tả công việc.
Mỗi VTVL tương ứng với một mức lương cố định và có sử dụng công cụ hợp đồng làm việc.
Quản lý thực thi công vụ chặt chẽ, cách thức đánh giá rõ ràng dựa trên kết quả thực thi công vụ. Thông thường, tiêu chí đánh giá phụ thuộc vào mục tiêu thực hiện, số lượng công việc hoàn thành, mức độ phức tạp của công việc, sự phối hợp và thái độ thực thi công vụ.
Thay đổi mới của chính sách tiền lương
Từ 01/7/2024, bảng lương theo VTVL không còn hệ số và mức lương cơ sở: Theo Nghị quyết 27, bảng lương mới theo VTVL sẽ được quy định bằng số tiền cụ thể thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở đang áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay.
Quy định một bảng lương chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) từ Trung ương đến cấp xã: Hiện nay, theo quy định của chế độ tiền lương hiện hành, các chức danh lãnh đạo từ bộ trưởng, trưởng ban đảng, đoàn thể ở Trung ương và tương đương trở lên và cán bộ chuyên trách cấp xã (bí thư, phó bí thư…) được xếp lương chức vụ với từ 1 đến 2 bậc lương. Các chức danh lãnh đạo còn lại hưởng lương nghiệp vụ chuyên môn theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo đảm nhiệm. Theo Nghị quyết 27, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được áp dụng một bảng lương riêng (cũng bằng số tiền cụ thể) và không còn hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Trong đó, bảo đảm nguyên tắc: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau, không phân loại cơ quan ở Trung ương, không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Theo đó, căn cứ Kết luận số 35-KL/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị để xây dựng, thiết kế bảng lương chức vụ mới theo chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã (bỏ phụ cấp chức vụ) theo nguyên tắc nêu trên.
Quy định một bảng lương nghiệp vụ chuyên môn theo ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo: mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc thì có mức lương như nhau, điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với VTVL và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
Mức lương thấp nhất trong bảng lương mới của khu vực công không thấp hơn lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp: Hiện nay, mức lương thấp nhất của công chức có hệ số lương là 1,35, tương đương 2,43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng. Theo chính sách cải cách tiền lương thực hiện Nghị quyết 27, mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) sẽ không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp (mức lương tối thiểu vùng). Ngoài ra, chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ dần được hoàn thiện để phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Mở rộng quan hệ tiền lương từ 1-2,34 – 10 hiện nay lên 1 – 2,68 – 12: Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định các mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực thị trường phù hợp với nguồn lực của Nhà nước. Theo đó, xác định:
Mức tiền lương thấp nhất (bậc 1, hệ số 1,86 hiện nay) của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, hết tập sự (bậc 1) – nhân viên bậc 1. Dưới trung cấp thì thực hiện ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Mức tiền lương trung bình (bậc 1, ngạch chuyên viện hệ số 2,34 hiện nay tăng lên hệ số 2,68): Áp dụng đối với chuyên viên bậc 1, yêu cầu trình độ đại học, hết tập sự.
Mức tiền lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) sẽ được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Sắp xếp và hoàn thiện các chế độ phụ cấp, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30 % tổng quỹ lương: Theo Nghị quyết 27 thì có 9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024 bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp theo nghề, phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập và phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang. Theo đó, tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường…). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bãi bỏ các chế độ phụ cấp sau: Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu) để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức; phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hai, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Quy định mới chế độ phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
Thực hiện chế độ tiền thưởng: Xây dựng quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng tiền lương cơ bản của năm (không bao gồm phụ cấp). Quỹ tiền thưởng đối với từng cơ quan, đơn vị = Tổng quỹ tiền lương cơ bản thực hiện hàng năm của cơ quan, đơn vị (không bao gồm quỹ phụ cấp) x 10%. Người đứng đầu mỗi cơ quan chịu trách nhiệm trao đổi với cấp uỷ, ban chấp hành công đoàn cùng cấp xây dựng quy chế thưởng định kỳ gắn với kết quả đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Căn cứ quỹ tiền thưởng hằng năm đối với từng cơ quan, đơn vị và hiệu quả công việc, kết quả, thành tích công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức trong năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định mức tiền thưởng, số lượng người được thưởng… Việc tiến hành xem xét thưởng và chi tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo kịp thời, công khai, công bằng, tương xứng với thành tích đạt được của từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
Từ 01/7/2024, khi chính sách lương mới đi vào cuộc sống sẽ mang lại động lực công hiến cho công chức, viên chức, người lao động. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm; thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Việc điều chỉnh tăng lương cần kết hợp chặt chẽ với kiểm soát giá cả thị trường nhằm hạn chế tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua và chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng. Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hoá thị trường… để việc tăng lương đảm bảo đúng mục đích và có ý nghĩa nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động./.
TA (Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)