Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm trong thời điểm giao mùa

Tháng giêng âm lịch là thời điểm giao mùa giữa mùa đông sang mùa xuân, thời tiết diễn biến thất thường, làm cho vật nuôi không thích nghi kịp nên rất dễ mắc một số bệnh như sau:



- Đối với trâu bò một số bệnh hay nhiễm tại thời điểm này như bệnh tụ huyêt trùng, viêm phổi ở bê nghé non, bệnh lở mồm long móng, bệnh cảm lạnh.    Với đàn bò sữa có thể mắc thêm các bệnh về sinh sản như viêm vú, viêm tử cung âm đạo, bệnh chậm sinh....

- Đối với đàn lợn có thể mắc một số bệnh như bệnh tai xanh, lở mồm long móng, đặc biệt hay mắc bệnh truyền nhễm như 04 bệnh đỏ (Tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu). Ở lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli ...

- Với gia cầm một số bệnh hay gặp như bệnh Gumboro, Newcastle, bệnh cúm, hội chứng tiêu chảy. Ở thời điểm chuyển giao mùa cũng là thời điểm bệnh xảy ra nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời cũng rất dễ phát sinh thành dịch do mầm bệnh (vi khuẩn, virut) có điều kiện thuận lợi để sinh sôi nảy nở, phát tán nhanh qua không khí, qua gió, qua thức ăn nước uống, vật dụng chuồng nuôi.

Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm thời điểm giao mùa theo một số biện pháp sau:

  1. Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc cin theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Một số vắc xin cần tiêm ngay, đảm bảo định kỳ là: Đối với trâu bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Với lợn tiêm phòng 04 bệnh đỏ, bệnh tai xanh, lở mồm long móng. Với lợn nái tiêm thêm vắc xin leptospira, suyễn lợn, lợn con tiêm Ecoli. Với đàn gia cầm tiêm đầy đủ vắc xin Newcastle, Gumboro, cúm gia cầm.

- Chú ý vệ sinh tiêu độc chuồng trại bằng một số loại thuốc sát trùng như vôi bột, Han iodine, Vikon… đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong công tác phòng chống bệnh.

 Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc sử dụng các hố sát trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống bioga để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số sản phẩm trong chăn nuôi để khử mùi hôi trong chuồng có tác dụng rất tốt để xử lý chuồng trại như FarmCleam, sử dụng 50g/10m2, nếu là hố ủ thì sử dụng 50g/m3, cách sử dụng là trực tiếp rắc trên nền chuồng hoặc trực tiếp vào hố ủ. 

- Khi thời tiết có thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Những ngày mưa phùn ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé non cho đi chăn thả muộn, về sớm.

- Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng sẽ nâng cao sức đề kháng cho cơ thể vật nuôi. Với trâu bò, nhất là bò sữa cần cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với ure để dự trữ thức ăn. Mặt khác khi trâu bò ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ngon miệng ăn tốt hơn.

- Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho con vật ăn trực tiếp.

- Đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cần cho uống nước sạch, ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm.

- Định kỳ thăm khám cho con vật, khi phát hiện con vật có biểu hiện bất thường như: bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, ... cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra hoặc báo cán bộ thú y điều trị kịp thời.

- Với gia súc, gia cầm khi vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tăng cường thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, nhất là ở các chợ kinh doanh động vật và sản phẩm động vật./.

                                                            Vương Thị Chung