Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăn nuôi gia súc lớn theo chuỗi là hướng đi bền vững

Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu của quá trình phát triển chăn nuôi nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, ổn định. Đặc biệt là trong chăn nuôi gia súc lớn, khi Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển và thị trường tiêu thụ rộng lớn.



Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, trong những năm qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội nói chung và chăn nuôi gia súc lớn nói riêng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp, đàn trâu có hơn 25,2 nghìn con, đàn bò hơn 131,6 nghìn con, sữa đạt hơn 3,4 nghìn tấn…

Với lợi thế là một thành phố đông dân cư và là thị trường tiêu thụ thực phẩm rất lớn của cả nước, nhất là nhu cầu về thực phẩm an toàn có chất lượng. Nhưng khả năng sản xuất sản phẩm của chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 20%-25% nhu cầu thị trường. Việc chăn nuôi trâu, bò, dê vẫn chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Bên cạnh đó, điều kiện giết mổ chủ yếu là thủ công, sản phẩm cung cấp ra thị trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính vì vậy, việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu của quá trình phát triển chăn nuôi nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, ổn định. Đồng thời đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, hài hòa được lợi ích từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng, tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy trình, công nghệ sản xuất mới cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành 4 chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gia súc lớn được xây dựng và phát triển theo hình thức mô hình chuỗi liên kết. Lấy các tổ chức nông dân tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của thành phố làm trọng tâm. Từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi liên kết hoạt động có giá trị như: Chuỗi thịt bò Thắng Lợi, thịt bò BBB, chuỗi bò giống Wagyu, chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì…

Đặc biệt, để bắt kịp xu thế phát triển chăn nuôi theo chuỗi hiện nay dịch vụ công có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gia súc lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội. Điển hình như: Cung cấp dịch vụ công góp phần kiến tạo ra chuỗi, đảm bảo và nâng cao lợi ích cho tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi. Trong đó có vai trò quan trọng về chứng nhận chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ; tư vấn, hướng dẫn quy trình và hướng sản xuất theo chuỗi sản phẩm công nghệ cao; tư vấn, kết nối các tác nhân phù hợp với nhau để tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm gia súc lớn…

Chình vì vậy, để phát huy hết tiềm năng trong phát triển chăn nuôi gia súc lớn trên địa bàn thành phố, theo ông Tạ Văn Tường, Hà Nội cần đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo chuỗi thông qua khuyến khích các tác nhân tham gia chuỗi đầu tư các trang thiết bị, máy móc trong chăn nuôi-giết mổ, chế biến, tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Song song với việc đẩy mạnh chất lượng cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi sản phẩm gia súc lớn. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công cần tăng cường sử dụng các tiến bộ công nghệ vào quá trình cung cấp dịch vụ công. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình kiểm nghiệm, xét nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm. Đồng thời tư vấn phương hướng phát triển cho các chuỗi theo từng bước cụ thể để phát triển theo chuỗi giá trị công nghệ cao, tránh tư vấn chung chung khiến các chuỗi hoang mang. Xác định hướng đi lên sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ là tất yếu.

Bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gia súc lớn. Nhất là đào tạo nguồn nhân lực cung cấp các dịch vụ công tại các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công và nguồn nhân lực nội tại của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Cần có kế hoạch rà soát và phân loại cán bộ công, với từng nhóm đối tượng sẽ có kế hoạch đào tạo, tập huấn khác nhau. Đưa những buổi tập huấn, chương trình đào tạo chuyên về sản xuất theo chuỗi theo định hướng công nghệ cao, tạo môi trường thân thiện, dễ dàng cho mọi người tham gia sản xuất đều có thể tiếp cận và học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.

Theo ông Tạ Văn Tường, phương thức sản xuất truyền thống là khâu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, người chăn nuôi chưa kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng, mua bán không thông qua hợp đồng. Chỉ quan tâm tới giá rẻ và phương thức thanh toán, chăn nuôi tận dụng, không theo quy trình để kiểm soát năng suất chất lượng, không quan tâm chất lượng sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng mà chỉ quan tâm làm sao để đầu tư ít nhất mà thu lợi nhiều nhất. Người tiểu thương chỉ quan tâm mua được giá rẻ nhất, gian dối để thu lợi cao nhất, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chính phương thức này dẫn đến chăn nuôi gia súc lớn thiếu tính bền vững, hiệu quả, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, việc phát triển chăn nuôi gia súc lớn theo chuỗi là hướng đi tất yếu, đúng đắn và lâu dài./.

NT (Theo Chinhphu.vn)