Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi

Tháng 11 là tháng đầu của mùa lạnh và cũng là tháng đầu mùa khô hanh.Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trong tháng khả năng có 2-3 đợt không khí lạnh ảnh hưởng trực tiếp sức đề kháng và sinh trưởng của vật nuôi. Để chủ động ứng phó với không khí lạnh, người dân cần thực hiện các biện pháp sau đây để bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm.



Trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là rét đậm, rét hại, mưa bão… thì việc chủ động phòng chống của các cấp, ngành, địa phương là vô cùng quan trọng, trong đó sự chủ động, sẵn sàng của người dân là điều kiện tiên quyết, qua đó giúp hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng con người, tài sản cây trồng, vật nuôi do thiên tai gây ra. Để phòng chống rét cho đàn vật nuôi, người dân nên thực hiện một số biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi như sau:

Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhất là những ngày rét đậm, rét hại cần tuân thủ chặt chẽ các chủ trương và khuyến cáo về giải pháp kỹ thuật của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có kế hoạch cụ thể phòng, chống cho đàn vật nuôi.

Để phòng tránh rét cho vật nuôi và giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, chính quyền cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống đói, rét gia súc, gia cầm, đôn đốc các xã xuống tận thôn bản, hộ gia đình tập trung phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Hướng dẫn bà con lợp kín tất cả chuồng trại bằng phên nứa, bạt, giữ nền chuồng sạch sẽ khô ráo và lót ấm bằng rơm, rạ, cỏ khô.

Tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi trời mưa hoặc khi nhiệt độ môi trường dưới 100C; Khi trời rét đậm, rét hại kèm theo mưa thực hiện nuôi nhốt gia súc, gia cầm trong chuông, mặc ấm cho gia súc.

Để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn gia súc trong tiết trời lạnh giá, cần hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ. Tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ voi, các sản phẩm nông nghiệp như khoai, sắn, ngô để ủ chua làm tăng nguồn thức ăn cho trâu, bò. Vào những ngày trời rét đậm, rét hại cần bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, thời điểm rét kéo dài, cần dùng bạt quây kín chuồng để giữ ấm cho đàn gia súc và vật nuôi.

Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 120C. Dự trữ và cung cấp đủ thức ăn thô xanh, thức ăn tinh cho vật nuôi, bổ sung muối, khoáng và vitamin khi nhiệt độ xuống dưới 120C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Tiêm phòng vắc-xin dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và dịch tả cho trâu, bò. Để bảo đảm cho trâu, bò và vật nuôi không bị chết do rét, khuyến cáo đến bà con nông dân và hướng dẫn chăm sóc cho trâu, bò cụ thể như sau:

 Che chắn chuồng nuôi bằng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải... để tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội (sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô, bẹ ngô… khô để lót nền chuồng). Dự trữ chất đốt như củi, trấu, rơm rạ…, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò, lưu ý chuồng trại cần có lỗ thoáng phía trên để lưu thông khí, tránh ngạt khí độc khi đốt lửa sưởi cho trâu bò; làm áo khoác ấm (tận dụng áo cũ, chăn cũ, bạt dứa…) cho trâu bò, nhất là con yếu và non; đối với gia cầm có thể dùng đèn sưởi ấm.

Vào những ngày bình thường, người chăn nuôi cho mỗi trâu bò trưởng thành ăn khoảng 25 - 30 kg thức ăn thô và 1 - 1,5kg thức ăn tinh, chia làm hai lần. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại dưới 150C thì cần điều chỉnh tăng lượng thức ăn tinh lên khoảng 2kg/con/ngày để bổ sung năng lượng giúp trâu bò chống lại giá rét. Chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước vì nếu cho ăn thức ăn tinh hay uống nước trước thì trâu, bò có cảm giác no dẫn đến ăn ít thức ăn thô. Ngoài ra để tăng sức đề kháng cho trâu, bò, người chăn nuôi cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng; cho trâu bò uống thêm nước muối bằng cách pha nước ấm 37 - 380C với muối nồng độ 0,1 - 0,3% tương đương 10 - 30gam muối/10 lít nước. Người chăn nuôi cần có biện pháp trồng, chế biến và dự trữ thức ăn cho trâu bò, đặc biệt là thức ăn thô vào mùa đông.  Đây là việc làm hết sức quan trọng vì chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu, bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét. Người chăn nuôi có thể phơi khô cỏ, phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua một số loại cỏ, thân cây ngô để chủ động nguồn thức ăn, nâng cao giá trị dinh dưỡng và khả năng tiêu hóa các loại thức ăn này.

Công tác vệ sinh thú y: Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ có vai trò rất quan trọng cần được làm thường xuyên, giúp hạn chế các tác nhân gây bệnh. Hàng ngày cần quyét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải để xử lý hạn chế gây ô nhiễm môi trường;  định kỳ phun thuốc khử trùng 2-3 tuần một lần. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò./.

Vương Thị Chung – TTDVNN huyện Thạch Thất