Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

Tháng 12 là tháng rét và ít mưa nhất trong năm, theo dự báo trong tháng khả năng có 2 - 3 đợt không khí lạnh tăng cường. Thời tiết rét đậm, rét hại là những tác nhân tác động trực tiếp đến đàn vật nuôi, làm chậm tốc độ sinh trưởng, tăng khả năng mẫn cảm với các loại mầm bệnh, thậm chí làm tăng tỷ lệ chết ở gia súc non, gia súc già. Đặc biệt, đối với đàn trâu, bò, dê,… thời tiết rét đậm còn ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc giảm nguồn thức ăn thô xanh. Để chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:



  1. Về chuồng trại

Kiểm tra, sửa chữa hoặc làm mới các phần bị hư hỏng, gia cố lại mái chuồng đảm bảo không bị mưa dột. Che kín các khe hở, lỗ thủng trên tường chuồng, gia cố lại hệ thống cửa đảm bảo chuồng nuôi không bị mưa tạt, gió lùa. Đối với chuồng nuôi hở cần bổ sung thêm hệ thống rèm che xung quanh chuồng. Vào những ngày nhiệt độ không quá thấp hệ thống rèm chỉ nên che hướng gió chính, đặc biệt là gió bấc. Những ngày rét đậm, rét hại khi che rèm bạt xung quanh chuồng nuôi cần lưu ý để chuồng nuôi được thoáng khí, cần thiết bổ sung thêm quạt thông gió.

Chuồng nuôi phải đảm bảo đủ diện tích để nuôi nhốt toàn đàn khi trời giá lạnh, nền chuồng luôn khô giáo. Đệm lót chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, đủ độ dầy. Có chuồng/lồng úm gia súc, gia cầm non mới sinh.    

Bổ sung, nâng cấp hệ thống sưởi ấm bên trong chuồng nuôi như lắp đặt hệ thống đèn hồng ngoại.     

Chuẩn bị kho chứa thức ăn tinh, dự trữ thức ăn thô xanh đảm bảo đủ diện tích để trữ đủ lượng thức ăn cần thiết cho toàn đàn trong khoảng 7 đến 10 ngày hoặc lâu hơn khi có sự cố rét đậm, rét hại kéo dài.

2Về thức ăn, nước uống

Cần chủ động dự trữ và cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm. Thức ăn đảm bảo sạch sẽ, cân đối khẩu phần. Để nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng chống chịu với thời tiết giá lạnh, cần cho vật nuôi ăn thức ăn có thành phần dinh dưỡng cao. Đối với trâu bò, cần đảm bảo dự trữ rơm khô hoặc thức ăn ủ chua, bình quân từ 5 - 7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét, ngoài đảm bảo khẩu phần thức ăn thô xanh (20 - 30 kg cỏ hoặc rơm, thức ăn thô xanh), bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, ngô, gạo khoảng 1,5 - 2 kg/con/ngày, cho uống nước ấm có pha muối loãng (20 - 30 gram muối/con/ngày). Đối với lợn và gia cầm thương phẩm cho ăn theo khẩu phần tự do. Đối với lợn, gia cầm sinh sản tăng khẩu phần từ 15 đến 20% so với mức ăn bình thường, chú trọng bổ sung vitamin B, C, các loại men tiêu hóa,... Những ngày rét đậm cần pha nước ấm cho vật nuôi uống.

  1. Về chăm sóc nuôi dưỡng

Phương thức chăn thả: Đối với trâu, bò, dê không chăn thả khi nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới 130C và cần nuôi nhốt trong chuồng, đồng thời cho nghỉ làm việc đối với đại gia súc cày, kéo,.... Những ngày nhiệt độ ấm hơn cũng không nên chăn thả vào lúc sáng sớm và chiều muộn, không chăn thả ở các bãi lầy, ngập nước.

Mặc áo ấm cho vật nuôi bằng các vật liệu như bao tải, vải bạt, chăn cũ đảm bảo giữ nhiệt, an toàn và không ảnh hưởng đến vận động của đàn vật nuôi.

Vệ sinh tắm chải: Không tắm, hạn chế tối đa việc rửa chuồng vào những ngày trời rét, đặc biệt với chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, tăng cường quét dọn, không để phân, nước tiểu tồn đọng lâu trong chuồng. Đối với lợn con cần lưu ý không để đàn lợn nằm trực tiếp xuống nền chuồng xi măng mà phải chuẩn bị phên gỗ hoặc lớp đệm lót bằng rơm hoặc trấu.

Bật hệ thống đèn sưởi hoặc đốt củi, hun trấu để làm ấm không khí trong chuồng nuôi. Khi đốt củi, hun trấu cần lưu ý để hở một phần chuồng để thoát khí độc, thường xuyên kiểm tra đề phòng hỏa hoạn.

  1. Về công tác vệ sinh, thú y

- Tăng cường công tác vệ sinh, loại bớt phân, thay mới chất độn chuồng  để tạo bầu không khí thông thoáng nhất là trong những ngày nuôi nhốt gia súc, gia cầm.

- Thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên để hạn chế mầm bệnh phát sinh, gây bệnh khi vật nuôi bị giảm sức đề kháng do stress nhiệt.

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định: Đối với đàn lợn tiêm vắc  xin phòng bệnh đỏ: Dịch tả, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Lở mồm long móng, Tai xanh...; Đối với Trâu bò tiêm vắc xin phòng bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục...; Đối với gia cầm tiêm vắc xin phòng bệnh Niu-cát-sơn, Gumboro, Cúm gia cầm, Dịch tả vịt, Viêm gan vịt, ....

- Thường xuyên giám sát và thực hiện quy định về khai báo dịch bệnh nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng… là những bệnh có nguy cơ phát sinh trong điều kiện thời tiết rét, ẩm.

- Khi gia súc, gia cầm có biểu hiện ốm, chết, nghi mắc dịch bệnh nguy hiểm phải báo ngay cho Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã và chính quyền cơ sở để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý theo quy định./.    

          Vương Thị Chung -  Trạm KN Thạch Thất