Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bón phân theo nguyên tắc 5 đúng

Để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao cần chú ý nguyên tắc bón phân 5 đúng.



Phân bón là thức ăn của cây trồng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây phát triển. Trên từng loại đất, từng loại cây trồng cũng như các giai đoạn sinh truởng và phát triển mà cây cần từng loại dinh duỡng cũng như liều lượng khác nhau. Để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao cần chú ý nguyên tắc bón phân 5 đúng:

  1. Bón đúng chủng loại phân

-  Cây trồng yêu cầu phân gì thì bón phân đó. Phân bón được chia làm 3 loại:

          +  Phân bón đa lượng là nhóm phân bón chứa các nguyên tố dinh dưõng chủ yếu như: Đạm (N), Lân (P) và Kali (K).

          + Phân bón trung lượng là nhóm mà thực vật cần một lượng vừa phải. Nhóm này gồm: Calci (ca), Ma nhê (Mg) và Lưu Huỳnh (S).
          + Phân bón vi lượng là nhóm phân bón chứa các nguyên tố với lượng rất nhỏ như: Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Mangan (Mn), Bo (B), Đồng (Cu), Cio (Cl), Molipden (Mo)…

 - Mỗi loại phân bón có chức năng riêng:

  Phân bón đa lượng là những lượng chất dinh dưỡng cần thiết nhất hay dinh dưỡng chính, dinh dưỡng đa phần đều cho cây trồng. Tương tự như vậy với trung lượng là lượng dinh dưỡng quan trọng thứ hai cho cây mà khi có nó sẽ giúp cho cây phát triển tốt hơn. Cuối cùng là Vi lượng, tức là những chất mà cây trồng cần một lượng nhỏ để cấu thành giúp cho cây tăng năng suất cao hơn, trái to hơn, hoa ra đẹp hơn,… 

- Bón phân không đúng chủng loại, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây. Ngược lại, nếu bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ được ổn định môi trường của đất. Ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.

  1. Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây

- Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả.

- Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậy khi bón phân nên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều. Việc bón quá nhiều phân một lúc sẽ gây ra thừa lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm cho cây biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.

- Bón phân có 3 thời kỳ: bón lót trước khi trồng (hay bón hồi phục sau khi cây thu hoạch vụ trước), bón thúc (nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, tạo nhành lá mới), bón rước hoa (đón đòng), có nơi còn bón bổ sung khi tạo hạt, nuôi trái.

  1. Bón đúng nhu cầu sinh thái

- Bón phân là hình thức bổ sung vào đất chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ngoài ra, còn có các vi sinh vật đất phân hủy các chất hữu cơ sẵn có hoặc cố định N từ không khí vào đất, bón phân còn có tác dụng kích thích hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất. Nhờ đó cây được tăng cường cung cấp lượng các chất dinh dưỡng cân đối hơn. Bón phân không những cần cho cây trồng mà còn giúp cho vi sinh vật đất phát triển hữu hiệu hơn.

- Bón đúng loại phân, bón đúng thời điểm, bón đúng đối tượng làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với hạn, rét, thời tiết bất thường của môi trường và với sâu bệnh gây hại (ví dụ phân kali). Bón phân không phải lúc nào cũng để cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy cây trồng phát triển mà còn có trường hợp phải dùng phân để tác động hãm bớt tốc độ sinh trưởng nhằm tăng tính chịu đựng của cây trước các yếu tố xấu phát sinh.

  1. Bón đúng vụ và thời tiết

Mùa vụ, nhiệt độ và thời tiết rất ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón, mưa làm rửa trôi, trực di phân bón, nắng khô làm phân bón không tạo được môi trường dinh dưỡng để tiêu, cây không phát triển, thối hoa, quả.

  1. Bón đúng phương pháp

Có 2 loại phân bón: Phân bón gốc và phân bón lá. Tùy từng loại cây mà có phương pháp bón thích hợp. Với phân bón gốc thì bón vào hố, rãnh theo vành tán lá hoặc rải đều trên mặt đất. Với phân bón lá thì phun đều trên lá, nếu ướt được cả 2 mặt lá thì càng tốt./.

 Hà Thúy Tuyển (Nguồn: Báo nông nghiệp nghiệp Việt Nam)