Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong mùa Đông Xuân 2017-2018, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong thời điểm tháng 01 và tháng 02/2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét hại kéo dài từ 7-10 ngày ảnh hưởng lớn đến vật nuôi:
Để chủ động phòng đói rét kịp thời cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra bà con cần làm tốt một số việc sau:
1.Đối với trâu, bò:
+ Ngoài thức ăn thô xanh cần bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, cháo nóng, các loại vitamin, khoáng chất, nên cho thêm thức ăn ủ chua, rơm ủ urê.
+ Cho trâu, bò uống đủ nước, trong những ngày giá rét cho trâu, bò uống nước ấm có hòa với muối với hàm lượng khoảng 9-10g/l nước ấm; giữ chân, móng khô sạch và ấm.
+ Đối với trâu bò non, gầy yếu có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cho ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn năng lượng cao, che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, cung cấp thiết bị sưởi ấm cho vật nuôi.
+ Tổ chức trồng cỏ, ngô dày chế biến dự trữ cỏ khô, cây ngô, cây sắn, thức ăn ủ chua, đảm bảo thức ăn thô xanh cho vật nuôi trong mùa đông, tăng lượng thức ăn giàu năng lượng và tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức khỏe vật nuôi chống đỡ bệnh, không để mắc bệnh do thời tiết gây ra.
+ Gia cố chuồng trại, dùng bạt dứa, tấm nilon lớn hoặc các loại vật liệu khác để che kín chuồng hạn chế gió lùa, dùng các loại chăn, áo cũ, bao tải gai hoặc các vật liệu khác để giữ ấm cho trâu, bò, luôn giữ nền chuồng khô ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ, mùn cưa, nếu nhiệt độ trong ngày dưới 130C hoặc trời có mưa không chăn thả trâu, bò. Áp dụng các biện pháp sưởi ấm cho trâu, bò vào những ngày rét đậm, rét hại bằng cách đốt củi, trấu, mùn cưa, hoặc thắp bóng đèn sưởi cho trâu, bò.
+ Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại văc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: Tụ huyết trùng, LMLM…; định kỳ tiêu độc khử trùng, chuồng trại bằng thuốc sát trùng; theo dõi sức khỏe vật nuôi hàng ngày, nếu vật nuôi có dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y co sở, can thiệp kịp thời.
- Đối với lợn:
+ Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét dưới 120C.
+ Cho uống đủ nước sạch, ấm, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cấn đối dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.
+ Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hóa chất như: Virkon, HanIodine, Benkocid, vôi bột…; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắccin phòng bệnh cho đàn lợn như: Dịch tả, Tai xanh, LMLM…
- Đối với gia cầm:
- Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.
- Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.
- Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, HanIodine, Benkocid, vôi bột …
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đặc biệt là: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro …
Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần theo dõi thường xuyên tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do đói, rét, dịch bệnh.
Nguyễn Thị Dung – Trạm KN Sơn Tây