Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm trên gà

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (Infections laryngotracheitis – ILT) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây viêm đường hô hấp chủ yếu ở khí quản và thanh quản, làm cho gà thở khó, thở khò khè rồi chết (do chất dịch viêm đông đặc trong khí quản).



Tất cả các loại gà đều nhiễm bệnh và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ nhỏ đến lớn

  1. Nguyên nhân bệnh:

Do virus thuộc nhóm Herpes gây ra. Virus này chỉ có 1 Serotype nhưng độc lực của virus lại khác nhau giữa các chủng phân lập được.

Virus phát triển nhanh trong phôi gà, nhưng cũng bị tiêu diệt nhanh khi ở ngoài môi trường.

Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp (do hít thở), qua niêm mạc mắt vào xoang mắt rồi xuống đường hô hấp. Truyền qua các dụng cụ chăn nuôi bị nhiễm mầm bệnh. Truyền lây do nhập đàn mới đã bị nhiễm bệnh hoặc đàn cũ đã mang trùng lây qua. Bệnh hay xảy ra ở những đàn gà thả vườn, gà cảnh.

  1. Triệu chứng và bệnh tích:

*Triệu chứng:

- Thời gian nung bệnh: Thời gian nung bệnh trong tự nhiên ở viêm thanh khí quản truyền nhiễm của gà từ 6 - 12 ngày sau khi virus xâm nhập. Khi gây bệnh trong khí quản thì chỉ còn 2 - 4 ngày.

- Virus gây bệnh ở thể cấp tính, đặc trưng bởi hiện tượng gà chảy nước mũi, có mủ, khó thở.

Lưu ý: Sau khi tiếp xúc với gà bệnh, thì sau 6-12 ngày triệu chứng hô hấp làm gà thở khó, thở khò khè lây lan rất nhanh trong bầy.

- Những triệu chứng chảy nước mắt nước mũi, kêu xao xác cũng xuất hiện.

- Gà kéo dài cổ ra để thở, sau đó chết (do dịch nhầy tích tụ trong khí quản làm nghẹt thở).

- Da màu xanh tím (do thiếu oxy máu).

 

 

Thở khò khè, rướn cổ há miệng để thở

- Thời gian một ổ dịch từ khi bắt đầu có triệu chứng hô hấp, đến khi kết thúc khỏi bệnh kéo dài khoảng 2 tuần lễ. Tỷ lệ chết từ 10-50%.

- Gà đẻ giảm tỷ lệ từ 10-14% và sau khỏi bệnh mới trở lại bình thường.

- Gà khỏi bệnh có miễn dịch nhưng cũng có khoảng 2% mang trùng và tiếp tục bài thải mầm bệnh ra ngoài 4-5 tuần sau khi khỏi bệnh. Đây cũng là nguyên nhân có thể gây tái nhiễm hoặc gây nhiễm cho đàn sau.

*Bệnh tích:

Bệnh tích chỉ giới hạn trong khí quản, loại trừ khi bệnh có kết hợp với vi khuẩn khác (CRD do Mycoplasma, E.coli, Tụ huyết trùng do Pasteurella v.v…)

Ở giai đoạn mới của bệnh từ 1-3 ngày. Trên niêm mạc khí quản thấy viêm và xuất huyết đỏ. Trong ống khí quản mổ ra thấy dịch nhầy lẫn máu.

Sau 4-7 ngày bệnh tích trên niêm mạc khí quản và thanh quản lớp tế bào biểu mô bong ra giống như chất bã đậu trắng vàng đóng thành cục dài, làm nghẹt đường hô hấp.

Túi khí có thể bị viêm nếu như bệnh kéo dài và có ghép Mycoplasma hay E.coli.

Nếu nhiễm phải chủng virus có độc lực yếu thì khí quản sung huyết màng kết mạc mắt, xoang mắt sưng do sung huyết

III. Chẩn đoán phân biệt

Cần dựa vào đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích khi mổ khám để có kết luận chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó có nhiều bệnh cùng mắc ở trên đường hô hấp của gà như CRD, CORYZA, ORT, Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm IB... có biểu hiện tương tự với bệnh ILT nên phân biệt rõ để có hướng điều trị cho tốt nhất.

  1. Phòng & trị bệnh

* Phòng bệnh

- Quản lý đàn gà tốt, thực hiện an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, phương tiện vận chuyển, thức ăn,… Nuôi theo nguyên tắc “cùng vào cùng ra” rất quan trọng, giúp phòng bệnh hiệu quả.

- Sử dụng một trong các loại vacxin:  Medivac ILT, Intervet ILT phòng bệnh định kỳ giúp đàn gà tạo ra được miễn dịch chống lại mầm bệnh.

- Nâng cao sức đề kháng cho gà bằng các loại thuốc bổ, trợ sức trợ lực, vitamin giúp gà chống chịu lại với các yếu tố gây bệnh. Giảm thiểu các yếu tố bất lợi cho gà: mật độ chuồng nuôi hợp lý với từng lứa tuổi gà, nước uống đầy đủ, sử dụng men vi sinh trộn với chất độn chuồng để giảm thải khí độc trong chuồng nuôi, ….

*Điều trị bệnh

- Bệnh do virus gây ra nên vẫn chưa có thuốc đặc trị, khi gà mắc bệnh nên điều trị theo hướng điều trị triệu chứng, chống vi khuẩn kế phát, tăng cường sức đề kháng cho gà.

+ Điều trị triệu chứng: Sử dụng các thuốc hạ sốt, long đờm làm giãn phế quản Bromhexin, Anagin C, Prednisolone, …

+ Sử dụng kháng sinh chống vi khuẩn cơ hội: Enrofloxacin, Doxycilin, Oxytetracycline,…

+ Trộn cám hoặc pha nước uống các loại thuốc bổ như: Vitamin tổng hợp, đường Gluco KC, khoáng, acid amin thiết yếu, đặc biệt kết hợp dùng thêm men tiêu hóa: Betain, HN-G7-AMAZYM, Men cao tỏi giúp nâng cao sức đề kháng cho gà.

Nên cách ly gà ốm với gà khỏe, thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Cùng nhập đàn, cùng xuất đàn tránh nuôi nhiều loại gà và lứa gà khác nhau trong một khu chăn nuôi để đảm bảo an toàn sinh học./.

                                                                                      Lê Thị Thu Hiền – Trạm KN Sơn Tây