Là thành viên, cũng là tổ trưởng Tổ Hợp Tác sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, ông Đỗ Văn Bạo cư trú tại Thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận triển khai mô hình sản xuất bí xanh theo tiêu chuẩn VietGap cho biết: Trước khi tham gia thực hiện mô hình trong khuôn khổ của dự án, Ủy ban xã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Miền Đông Nam bộ tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGap cho 20 hộ trồng rau trực tiếp tham gia mô hình và cấp chứng chỉ đã qua đào tạo, để thực hiện quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, xây dựng nhà sơ chế theo nguyên tắc 1 chiều chống nhiễm chéo. Trong quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, tưới nước, bón phân, quản lý dịch hại, thu hoạch, sơ chế của mô hình đều được kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap.
Ông Bạo chia sẻ, gia đình có 3.000m2 (3 sào) đất trồng rau từ 8 năm nay, nhưng sản xuất theo phương thức truyền thống, canh tác đại trà chăm sóc theo kinh nghiệm dân gian, thấy rau bị sâu là phun thuốc, sử dụng thuốc này không hết lại đi mua thuốc khác sử dụng nên chi phí rất cao mà hiệu quả kinh tế lại thấp. Nay nhờ thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn của dự án, gia đình sử dụng phân hữu cơ ủ hoai, bón lót, cày xới làm cho đất tơi xốp, gieo trồng phù hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, lắp đặt hệ thống tưới phun. Trồng xen canh các loại rau cải, rau xà lách, rau dền, khổ qua, mướp, dưa leo...theo đúng quy trình VietGap. Nhờ đó mà giá trị kinh tế tăng thêm trong sản xuất so với sản xuất rau thông thường khoảng 30-35%. “Trên mảnh vườn 3.000m2 chuyên canh trồng rau ăn lá và củ quả, thời gian mỗi vụ chỉ khoảng 1đến 3 tháng tùy loại cây trồng, luân phiên quay vòng nên có việc làm quanh năm. Cứ đến vụ, thương lái đến tận đầu bờ thu mua, không phải lo về đầu ra sản phẩm. Trong năm sản xuất khoảng 8 đợt rau ăn lá, 3 đợt cây ăn quả. Với 3 sào đất chuyên canh, mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 60 tấn rau ăn lá và 20 tấn quả theo tiêu chuẩn VietGap, trừ chi phi gia đình thu lời khoảng 200 triệu đồng”. Ông Bạo tính toán.
Trao đổi thân thiện với chúng tôi ông Thái Khắc Thân Chủ tịch Mặt trận xã Châu Pha cho rằng kết quả đạt được ban đầu của dự án đã chứng minh khi ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nông dân có thể thực hiện sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, đồng thời giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì, phát triển. Trong thời gian tới, để mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện có hiệu quả, nhân rộng và duy trì bền vững, cần xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa Tổ Hợp tác với doanh nghiệp, để sản phẩm rau an toàn đến được tận tay người tiêu dùng, thay vì bán nhỏ lẻ rau an toàn với những loại rau khác như hiện nay./.
Trọng Hoàng