Từ Ủy ban xã Phú Hội, huyện Đức Trọng để đến được địa điểm vườn quýt của gia đình anh Ha Đức phải vượt qua đoạn đường đá khá dài và đường đồi dốc 3 tầng, ai có đi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà vợ chồng anh bỏ bao công sức ra để xây dựng được 1 vườn quýt đường, rộng 2ha với 2.000 gốc đang độ thu hoạch như ngày hôm nay.
Tiếp chúng tôi ngay tại vườn quýt với niềm vui phấn khởi, hai vợ chồng anh Ha Đức vừa tiếp chuyện chúng tôi vừa thu hái những quả quýt chín vàng trông thật bắt mắt. Anh Ha Đức cho biết, gia đình anh mua được 2ha đất đồi trồng cà phê chè với giá 650 triệu đồng từ năm 2015, vài năm trở lại đây giá cà phê xuống thấp, không ổn định nên anh Ha Đức đã suy nghĩ và tìm hiểu một loại cây trồng khác để thay thế cho cây cà phê. Qua tìm hiểu từ gia đình người chị trồng quýt đường ở huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, anh nhận thấy cây quýt đường có thể sẽ phù hợp với vùng đất ở thôn K’Nai, xã Phú Hội, anh đã bàn với vợ và quyết định phá bỏ hết cà phê để trồng cây quýt đường. Cây giống được anh đặt mua ở tỉnh Bến Tre với giá dao động từ 30.000 - 45.000 đồng/cây.
Do đất của gia đình anh nằm ở triền đồi dốc nên anh phải trồng cây theo đường đồng mức với khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng là 3m. Những khoảng đất trống anh để lại cỏ để giữ đất, hạn chế rửa trôi đất vào mùa mưa, mùa khô tạo thêm độ ẩm cho đất. Trong 1 năm, anh bón phân cho cây làm 4 lần, 3 lần bón phân NPK phức hợp mỗi lần 1,5kg, lần thứ 4 anh bón bổ sung cho mỗi cây thêm 1,5kg phân NPK chuyên dùng cho cây ăn quả có hàm lượng kali cao (bón vào lúc giai đoạn bắt đầu quả to cần bón nhiều kali để tạo cho múi có độ ngọt, vỏ quả căng, bóng), ngoài ra, anh còn bón thêm canxi bo 200 gram/gốc/năm. Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc cây bắt đầu cho thu bói, năm đầu anh chị thu bói rất ít, chủ yếu để dưỡng cây.
Vào giữa tháng 10 năm 2018, gia đình anh Ha Đức bắt đầu thu hoạch chính vụ quýt đầu tiên và trung bình mỗi cây cho gia đình anh khoảng 30 kg quả. Những trái quýt trong vườn của anh rất ngọt, mọng nước và ít hạt, vỏ quả dày, thơm, chín có màu vàng trông rất đẹp. Với 2.000 cây, anh Đức dự kiến thu hết trong tháng 01 năm 2019 khoảng 60 tấn quả bán giá dao động từ 15 - 20.000 đồng/kg, mang về nguồn thu nhập cho gia đình anh trên 1 tỷ đồng. Đây là con số vượt xa tầm mong đợi của gia đình anh và cao hơn nhiều so với canh tác cây cà phê. Sản phẩm quýt của gia đình anh chủ yếu được các thương lái trong huyện và thành phố Đà Lạt thu mua, ngày thấp nhất khoảng 200 kg quả, ngày cao điểm 1 tấn quả.
Chia sẻ với chúng tôi anh cho biết: Đầu ra cho sản phẩm hiện nay tôi không lo, tôi chỉ lo làm sao trong thời gian tới có thể áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, đưa được sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để có được vườn quýt đẹp và năng suất như ngày hôm nay anh cũng khá vất vả khi vườn cây của gia đình anh gặp một số bệnh như bệnh vàng lá, thối rễ, và rụng quả. Để khắc phục và hạn chế sâu, bệnh hại cho cây quýt anh thường xuyên thăm vườn, hàng ngày theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây để có biện pháp chăm sóc, xử lý thuốc kịp thời khi phát hiện sâu, bệnh hại cho cây.
Do là người đầu tiên trồng cây quýt đường ở xã Phú Hội nên anh Ha Đức chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, cũng như bổ sung dinh dưỡng cân đối và hợp lý cho cây. Anh nói: mình sẽ vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm và học hỏi thêm để các năm sau sẽ chăm sóc tốt hơn cho vườn quýt của nhà, để quýt cho nhiều trái hơn, đẹp hơn và an toàn cho người sử dụng.
Chia tay gia đình anh Ha Đức, trong lòng chúng tôi ai cũng thầm nể phục sự giỏi giang, dám nghĩ, dám làm của một người đồng bào dân tộc thiểu số, một tấm gương sáng rất đáng để cho nhiều người học hỏi làm theo nhằm phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu trên vùng đất còn nhiều khó khăn này./.
Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng