Skip Ribbon Commands
Skip to main content

''Trái ngọt'' từ nông thôn mới nâng cao ở Thanh Trì

Những ngày cuối năm, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, vùng rau an toàn Yên Mỹ hay vùng trồng quất cảnh xã Vạn Phúc của huyện Thanh Trì đều hối hả vào vụ lớn nhất của năm.



Vùng quê ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh đang đổi thay từng ngày, hạ tầng khang trang, cảnh quan sạch đẹp. Đặc biệt, mới đây, qua đánh giá, huyện Thanh Trì có thêm 6 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ngay khi đạt chuẩn nông thôn mới, các xã của huyện Thanh Trì đều không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đảng ủy, chính quyền các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh đều ra Nghị quyết và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, vận động nhân dân chung sức trên tinh thần lấy nhân dân làm chủ thể của các phong trào.

Là xã nằm ở trung tâm huyện Thanh Trì, Tứ Hiệp hôm nay không khác phường bởi nhịp sống sôi động của các hoạt động dịch vụ thương mại; những chung cư cao tầng. Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Tạ Đăng Doanh cho biết, xã có hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ; 7/7 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Mầm non C Tứ Hiệp đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng, có khu thể thao hoạt động hiệu quả... rất thuận lợi trong phát triển văn hóa, thương mại và dịch vụ.

Tương tự, ở xã Đông Mỹ, Trung tâm Văn hóa thể thao quy mô xã được đầu tư hơn 7,7 tỷ đồng, có phòng chơi bóng bàn, sân cầu lông, bóng chuyền hơi và các hoạt động văn hóa thể thao phục vụ nhân dân...

Không chỉ đổi thay về diện mạo, kinh tế nông thôn ở Thanh Trì cũng đã có những chuyển mình nhờ đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ, phát triển nghề truyền thống và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại xã Duyên Hà, nơi có nghề làm bánh chưng truyền thống, những ngày cuối năm, hoạt động sản xuất ở xã lại thêm nhộn nhịp. Ông Nguyễn Duy Thành, chủ cơ sở sản xuất Thành Chung, thôn Tranh Khúc cho biết: "Gia đình tôi làm bánh chưng bán đã hơn 30 năm. Xưa các cụ đun bánh bằng củi, bằng than, nhưng nay chúng tôi đã chuyển sang đun điện với hệ thống lò hơi, nấu được số lượng nhiều hơn, bánh cũng ngon hơn. Tết Quý Mão, gia đình tôi đã trữ sẵn gạo và đậu. Lá dong và thịt đều có mối quen cung cấp đủ yêu cầu hằng ngày. Dự kiến, dịp Tết này, gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 30 vạn bánh với mức giá từ 40 nghìn trở lên tùy theo trọng lượng bánh"...

Với xã Yên Mỹ - là vùng chuyên canh rau lớn của huyện Thanh Trì, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Dương cho biết, để vùng rau an toàn của xã phát huy hiệu quả, xã vận động người dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm nên đầu ra rất ổn định.

Người dân hưởng lợi từ xây dựng nông thôn mới

Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, các xã của huyện Thanh Trì đều đã thu hút sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân. Ông Trần Mạnh Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ cho biết, xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, xã đã tuyên truyền, vận động để người dân trực tiếp tham gia thực hiện các tiêu chí như: Nhà ở, vệ sinh môi trường, thu nhập, sản xuất...

Theo Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đông Mỹ Lã Thị Nội, thôn có nhà văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2014, đang được sử dụng rất hiệu quả. Ngoài tổ chức các sự kiện hội họp, đây còn là nơi các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao luyện tập. Khoảng 2 tháng gần đây, đoàn viên, thanh niên của thôn, chủ yếu là sinh viên, phân công nhau ra nhà văn hóa thôn giúp đỡ người dân thực hiện chuyển đổi số, cài đặt, sử dụng các ứng dụng thông minh trong điện thoại, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... "Để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã nông thôn mới nâng cao, chúng tôi xin ý kiến nhân dân, tỷ lệ hài lòng rất cao", bà Nội nói.

Còn với ông Phùng Minh Thanh, Trưởng thôn 2, xã Vạn Phúc cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nhân dân đã góp tiền, hiến đất mở đường. Các xóm có hộ khó khăn không phải đóng góp, quá trình triển khai minh bạch nên nhân dân rất phấn khởi, làng quê ngày một khang trang, đổi mới hơn.

Từ thành quả đạt được, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Nguyễn Hồng Dương thông tin thêm: "Thời gian tới, xã rà soát các điểm công cộng, ngã ba, ngã tư, trục đường chính... để vận động doanh nghiệp, nhân dân xã hội hóa lắp camera an ninh. Chúng tôi sẽ cân đối nguồn thu hoa lợi công sản năm 2023 thông qua HĐND xã trích một phần kinh phí tổ chức thực hiện. Ngoài ra, xã sẽ vận động các hộ dân ven đường lắp camera của gia đình hòa cùng hệ thống camera của thôn, xóm"...

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thanh Trì, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, kết quả thẩm định nông thôn mới nâng cao của 6 xã trên địa bàn huyện vừa qua đều đạt số điểm rất cao. Điều đó minh chứng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương và khẳng định xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Trì thực sự đi vào chiều sâu, bền vững. Thành tích là của người dân; người dân là chủ thể và là đối tượng hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả đạt được cũng đang tạo đà để các xã của huyện phát triển thành phường, huyện Thanh Trì trở thành quận trong tương lai gần./.

NT (Theo Báo HNM)