Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất khẩu tôm của Việt Nam chiếm ngôi đầu khi bán sang Mỹ, Nhật Bản

Sức mua tăng mạnh từ thị trường Mỹ, Nhật Bản đã giúp tôm của Việt Nam ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2022 lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu.



Xuất khẩu tôm tăng 41,2% về giá trị nhờ Mỹ, Nhật Bản mua nhiều

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu tôm trong 2 tháng đầu năm 2022 đã có những đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 125.000 tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và tăng 52,8% về trị giá so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 307.000 tấn, trị giá 1,472 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trong khi xuất khẩu nhóm hàng chả cá, cá khô và cá đóng hộp giảm.

Chỉ tính riêng mặt hàng tôm, trong tháng 1/2022, xuất khẩu tôm đạt 31.130 tấn, trị giá 310,66 triệu USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 41,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 238 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 43 triệu USD, tăng 92%. 

Mỹ, Nhật Bản ưa chuộng, xuất khẩu tôm còn khởi sắc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. 

Xuất khẩu tôm đi Mỹ tháng 01/2022 đạt hơn 67 triệu USD, tăng 9% so với tháng 12/2021 và tăng 61% so với tháng 01/2021. Năm 2021, trên thị trường Mỹ, mặc dù giá trung bình xuất khẩu của tôm Việt Nam vẫn còn phải cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng đã ghi nhận cao hơn các nước này.

Với sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của tôm Ecuador trên thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong top các nguồn cung tôm chính cho Mỹ với tỷ trọng giá trị tăng từ 10,7% năm  2020 lên 12% năm 2021 và tỷ trọng khối lượng tăng từ 8,8% lên 9,8% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt trên 54 triệu USD trong tháng 1 năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Nhật Bản, năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 227.900 tấn, trị giá 262,9 tỷ Yên (tương đương 2,296 tỷ USD) tăng 4,1% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, đạt 52.900 tấn, trị giá 64,6 tỷ Yên (tương đương 564,5 triệu USD).

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm 2022 đạt gần 54 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ. 

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các công ty chế biến tôm lớn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều có nhu cầu tuyển thêm nhiều công nhân, hoạt động xuất khẩu sôi động ngay trong những ngày đầu năm mới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, hứa hẹn 1 năm xuất khẩu mang lại những bước tăng trưởng đột phá.

Theo một số doanh nghiệp chế biến tôm, tháng đầu năm nay, tâm lí công nhân ổn định, tinh thần khách hàng tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong tình hình mới là sống chung với Covid - 19 nên đây cũng là những tín hiệu đáng lạc quan cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu thủy sản, trong đó có xuất khẩu tôm đã có một khởi đầu thuận lợi ngay từ những tháng đầu của năm 2022. Hiện, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất đáp ứng các đơn hàng, giá tôm nguyên liệu cũng tăng, với đà này xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ cán đích 9 tỷ USD./.

NB (Theo danviet.vn)