Trong 3 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có xã Sơn Đà và xã Vạn Thắng cùng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 1 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; riêng xã Phong Vân xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 2 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo. Đến nay, diện mạo nông thôn mới của 3 xã: Sơn Đà, Phong Vân và Vạn Thắng tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân của 3 xã trong kỳ thống kê gần nhất đều đã đạt trên 70 triệu đồng/năm, cao hơn 10% so với bình quân của xã nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm; nhiều thôn không còn hộ nghèo. Cả 3 xã đều có mô hình “thôn thông minh”…
Đáng chú ý, Minh Quang là xã thuộc khu vực miền núi đầu tiên của huyện Ba Vì và cũng là xã thuộc khu vực miền núi đầu tiên của thành phố Hà Nội đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã có diện tích tự nhiên lớn, với hơn 2.800ha; hơn 3.400 hộ dân sinh sống tại 15 thôn và có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường, Dao. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2024, xã Minh Quang đã huy động được hơn 655 tỷ đồng thực hiện xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, văn hóa, môi trường… Đến nay, Minh Quang đã có hạ tầng khang trang; các hộ dân đều có nhà ở kiên cố, không có nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/năm và xã không còn hộ nghèo.
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã kiểm tra thực tế và hồ sơ minh chứng của các xã. Kết quả, 3 xã: Sơn Đà, Phong Vân, Vạn Thắng đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 và xã Minh Quang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024./.
Minh Cường