Đánh giá về triển vọng của ngành trong năm 2019, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho hay, cơ hội mở ra cho ngành thủy sản là rất lớn khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2020, sức tiêu thụ tăng lên 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và đạt 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển. Trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành thủy sản của Việt Nam nếu đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, khi các FTA có hiệu lực, nhiều hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều so với mức thuế hiện tại.
Bên cạnh đó, ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đang dần đi vào ổn định bởi chính quyền hai quốc gia có những thỏa thuận song phương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông - thủy sản xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, thị trường Hàn Quốc, ASEAN có thể sẽ tăng khá trong năm 2019 khi doanh nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn từ đối tác nhập khẩu ở những nước này. "Từ những triển vọng trên chúng tôi dự báo, năm 2019, kim ngạch ngành thủy sản sẽ đạt mức trên dưới 10 tỷ USD, tăng trưởng 10 - 15% so với năm 2018" - ông Hòe nhấn mạnh.
Liên quan đến những giải pháp giúp ngành thủy sản đạt giá trị cao hơn trong năm nay, ông Hòe cho biết, ngành sẽ tập trung phát triển một số thị trường quan trọng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với mặt hàng tôm, để tăng khả năng cạnh tranh và giữ thị phần, các doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng để gia tăng giá trị cho sản phẩm, không cạnh tranh bằng giá rẻ. Đối với mặt hàng hải sản, VASEP đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp để cải tổ nghề cá truyền thống thành nghề cá có trách nhiệm nhằm thuyết phục EC gỡ bỏ thẻ vàng IUU./.
TT (Theo Báo KTĐT)