Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn: Một hướng đi nhiều đích đến

Thời điểm hiện tại, ngành Nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm và mang lại thu nhập cao cho người nông dân.



Theo ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai), hiện nay trang trại có 500 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, trang trại đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tác động mạnh đến ngành chăn nuôi nhưng trang trại không bị thiệt hại về kinh tế.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, có tốc độ tăng trưởng cao, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn…; đồng thời tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đến nay đã có 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh. Thời gian vừa qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát và tỷ lệ sản phẩm thịt được truy xuất nguồn gốc xuất xứ ngày càng cao.

Thời điểm hiện tại, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với nhiều loại bệnh. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là xu hướng của chăn nuôi hiện đại.

Từ một nước nhập khẩu lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã đạt 440 triệu USD. Trong đó, thịt gà chế biến xuất khẩu đạt hơn 2,5 nghìn tấn, tăng gần 36,6% so với năm 2020. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này còn rất lớn khi Việt Nam đã đàm phán thành công việc xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu...

Việc phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh mang lại nhiều lợi ích nhưng trong quá trình triển khai còn không ít khó khăn do kinh phí đầu tư lớn. Mặt khác, có một thực tế là chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y trong khi tỷ lệ tiêm phòng và quy trình giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi chưa đạt yêu cầu nên vẫn xảy ra các loại dịch bệnh như: Cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò... gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Để xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có kiểm soát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo dự án “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle tại 9 huyện thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; và xây dựng vùng an toàn với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở 7 huyện thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước và xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Đồng thời, các địa phương cần nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu./.

NT (Theo Báo HNM)