Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị sản phẩm

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã tạo ra những sản phẩm OCOP cho năng suất cao và chất lượng tốt. Hiện nay, các chủ thể OCOP tiếp tục xây dựng thương hiệu để nâng cao giá bán trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.



Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái (huyện Ba Vì) Phùng Quốc Lượng cho biết, khoai lang Đồng Thái của hợp tác xã được công nhận OCOP đạt 4 sao. Từ khi đạt OCOP, sản phẩm khoai lang được tiêu thụ ổn định với giá hơn 20.000 đồng/kg. Hiện khoai lang một năm 2 vụ, thu hoạch vào tháng 6 và tháng 12, mỗi sào trồng khoai lang/vụ nông dân thu về khoảng 7,8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Để nâng cao giá trị sản phẩm hợp tác xã phối hợp với huyện tổ chức mở các lớp nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai lang để cho năng suất chất lượng cao; sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị…

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà, đến nay, hợp tác xã có 30 sản phẩm rau được công nhận đạt 4 sao. Từ khi được công nhận đạt 4 sao, sản phẩm rau của hợp tác xã tiêu thụ tốt hơn, sản lượng và doanh thu tăng theo từng năm. Nhờ đó, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn rau các loại, doanh thu hơn 4 tỷ đồng/ năm. Sản phẩm rau của hợp tác xã đang cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội và người tiêu dùng tại 15 địa phương lân cận.

Nhờ có thương hiệu nên sản phẩm OCOP của Hà Nội đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (huyện Quốc Oai) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, Công ty ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với nhiều địa phương và đã xây dựng được 1.000 điểm bán nông sản sạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Năm 2022, Công ty mở thêm khoảng 1.000 điểm bán nông sản của Vinanutrifood, nông sản OCOP của các địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và cả nước.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, ngay từ những ngày đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc…). Cùng với các chủ thể, các sở, ngành đều tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP.

Để giữ gìn và bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, đến nay, huyện đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng với các thương hiệu: Gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu, cam đường Kim An; giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, nón Làng Chuông... Để nâng cao giá trị và tạo dựng thương hiệu, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể về quy trình sản xuất an toàn, đăng ký mẫu mã; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, hướng đến xuất khẩu, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đổi mới, đa dạng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý, điều hành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm lợi thế của địa phương; giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm được công nhận OCOP.../.

TA (Theo Báo HNM)