Trò chuyện với phóng viên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Ba Vì, ông Quách Văn Huân, trưởng thôn Quỳnh Cao, xã Cam Thượng cho biết: với trên 300 hộ dân, Quỳnh Cao là thôn còn nhiều khó khăn của xã Cam Thượng. Hạ tầng giao thông đã xuống cấp do các tuyến đường ở thôn cứng hóa mới chỉ đạt trên 60%, nền đường thấp, nhỏ hẹp và lâu năm nên thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa. Muốn đi lại người dân phải dùng thuyền để di chuyển, thậm chí thôn Quỳnh Cao còn bị “cô lập” vì các tuyến đường bị ngập sâu trong mùa mưa. Mong muốn có những con đường mới khang trang, sạch đẹp thuận tiện cho việc đi lại và phát triển kinh tế nên ngay khi Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp các tuyến đường người dân thôn Quỳnh Cao đã rất nhiệt tình hưởng ứng. Họ tự nguyện hiến đất mở đường, thậm chí còn tự chặt cây, phá giỡ các công trình trên đất để nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công triển khai xây dựng. Đến nay, đã có 40 hộ trong thôn tự nguyện tham gia hiến đất làm đường với tổng diện tích trên 1.000m2, trong đó có những hộ hiến diện tích đất lớn tiêu biểu như hộ ông Trịnh Minh Đức hiến 300m2, hộ ông Quách Văn Quang hiến 170m2, hộ ông Quách Văn Cam 160m2, hộ ông Quách Văn Toàn 150m2…. Nhờ đó, nhiều tuyến đường trước đây của thôn nhỏ hẹp với chiều rộng chỉ khoảng 4m, chỗ rộng nhất khoảng 5m, thì đến nay đã được mở rộng từ 6- 10m, rất thuận lợi cho việc đi lại.
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường trải dài chạy qua thôn Quỳnh Cao, liên xã Cam Thượng với xã Tiên Phong, ông Trịnh Minh Đức, thôn Quỳnh Cao vui vẻ giới thiệu: “Tuyến đường này trước kia chỉ rộng khoảng 4m, thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay, đồng lòng của người dân tự nguyện hiến đất nên tuyến đường này đã được mở rộng ra thành 10m, riêng gia đình tôi đã tự nguyện hiến 100m2 đất để mở rộng tuyến đường này.”
Từ thôn Quỳnh Cao, chúng tôi vòng qua thôn Cam Đà, đây cũng là thôn tiêu biểu của xã Cam Thượng triển khai hiệu quả phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Bà Giang Thị Tuyết Loan- Bí thư chi bộ thôn Cam Đà cho biết: lúc đầu, để vận động người dân hiến đất làm đường chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, được sự giải thích tận tình của cán bộ xã, thôn, người dân hiểu rõ mình là người thụ hưởng chương trình nên từ một hai hộ lúc đầu, sau tăng dần lên 19 hộ. Tuy tổng diện tích hiến chỉ được 102m2 nhưng tính theo công trình nhân dân phải phá rỡ thì rất lớn, bởi có những hộ phá rỡ cả khu chăn nuôi, công trình phụ, nhà bếp, cổng…đã được xây dựng khang trang sạch đẹp, để mở rộng con đường làm rãnh thoát nước. Cũng vì đường xuống cấp mà nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ ruộng hoang, không còn mặn mà với nông nghiệp. Bà Loan hy vọng tới đây có đường nội đồng mới, đường giao thông nông thôn mới thì bà con trong thôn sẽ phấn khởi để quay lại với đồng ruộng, không còn bỏ ruộng hoang như trước kia.
Xã Cam Thượng có 7 thôn, với 1.766 hộ dân, trên 7.500 nhân khẩu. Nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân trong tham gia đóng góp, xây dựng kết cấu hạ tầng, xã Cam Thượng đã phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Khi có dự án triển khai tại địa bàn thôn, chi bộ triển khai họp, sau đó thống nhất trong các đảng viên về phương án vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí. Từng đảng viên được chi ủy phân công phụ trách các khu vực dân cư để lắng nghe ý kiến của các hộ dân, giải thích đầy đủ về chủ trương, cách làm để người dân hiểu và đồng thuận.
Ông Quách Văn Phong- Chủ tịch UBND xã Cam Thượng cho biết: Khi xây dựng nông thôn mới, cái được lớn nhất đó là địa phương có thêm nhiều công trình khang trang, nhân dân lại là người trực tiếp thụ hưởng. Đơn cử, nếu như trước đây, đường trục chính qua các thôn, xóm đều nhỏ hẹp, mặt đường gồ ghề, thường bị ngập sâu vào mùa mưa thì nay, hầu hết các tuyến đường đều được mở rộng, nâng cấp thoáng và rộng rãi, rất thuận lợi cho việc đi lại, giao thông của người dân. Nhờ vậy, đã tạo được không khí phấn khởi, tích cực tham gia của người dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn kinh phí được Thành phố, Huyện và ngân sách xã, nhân dân xã Cam Thượng đã đóng góp trên 340 triệu đồng xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn.
Cùng với vận động nhân dân đóng góp kinh phí và hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh, xã Cam Thượng cũng tích cực vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí về thu nhập, môi trường, văn hóa… đưa bình quân thu nhập đầu người của xã năm 2020 đạt 52,4 triệu đồng/ người; phấn đấu năm 2021 đạt 53 triệu đồng/ người, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện giảm còn 0,93%.
Với cách làm phù hợp, hiệu quả, đến nay xã Cam Thượng đã đạt 14/19 tiêu chí và còn 05 tiêu chí cơ bản đạt. Tổ công tác của huyện Ba Vì đã phúc tra chấm điểm xã đạt 96,75/100 điểm. Hiện nay, Cam Thượng tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động sức dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các tiêu chí đê sớm được Thành phố công nhận là xã nông thôn mới vào cuối năm nay./.
Trúc Như (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì)