Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025: Dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư 89.000 tỷ đồng

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề vững chắc hướng đến mục tiêu hiện đại hóa nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025.



Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội, tính đến cuối năm 2020, toàn thành phố đã có các huyện, thị xã: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ trao bằng công nhận địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các huyện: Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đối với huyện Phú Xuyên, hiện nay, Văn phòng Điều phối đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn.

Đến hết năm 2020, toàn thành phố có 355/382 xã đạt chuẩn NTM (đạt gần 93% tổng số xã). Ngoài ra, còn có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đoàn công tác thành phố đã tiến hành thẩm định 12 xã, đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn thành phố còn lại 15 xã chưa về đích nhưng cũng đã đạt từ 15 - 18 tiêu chí NTM.

Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành quả mà Hà Nội đạt được trong 5 năm qua một phần quan trọng đến từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã huy động được tổng nguồn lực hơn 57.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thành phố đã vận động được các doanh nghiệp, hợp tác xã và đông đảo tầng lớp nhân dân ủng hộ nguồn lực lên tới hơn 4.800 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Sự chung tay ủng hộ, đồng thuận cao của người dân là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong xây dựng NTM của Hà Nội cho đến thời điểm hiện tại. Cũng nhờ nguồn lực lớn từ đông đảo các tầng lớp nhân dân mà đến nay Hà Nội đã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Một trong những bài học kinh nghiệm, yếu tố quan trọng tạo nên thành quả xây dựng NTM của Hà Nội là việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn với giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời. Ngay sau khi Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố Hà Nội được thông qua, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”. Kế hoạch số 188/KH-UBND cũng được UBND Thành phố Hà Nội ban hành ngay sau đó để cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU.

Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo các cấp, ban ngành, địa phương, đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và sở, ngành liên quan để đôn đốc việc thực hiện tại cơ sở. Trong quá trình triển khai, thành phố đặc biệt coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đồng thời rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 02-CTr/TU đề ra.

Một bài học kinh nghiệm khác được Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI chỉ ra, có thể đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, đó là nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng cần tiếp tục được chú trọng, nhằm tạo chuyển biến nhận thức về vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Qua đó, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tạo động lực để phong trào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu.

Trong suốt 10 năm qua, Hà Nội luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối trên, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Đây được xem là tiền đề hết sức thuận lợi để NTM Thủ đô tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ trong 5 năm tới.

Định hướng giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cũng đã được nhận diện. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với quy hoạch chung phát triển Thủ đô.

Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng khung một số huyện định hướng phát triển thành quận theo kế hoạch, lộ trình của thành phố. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng gắn với sản xuất nhằm bảo đảm và đa dạng sinh kế cho người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Quy hoạch và phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh ngành nghề, dịch vụ, gắn với đào tạo, nhân cấy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…/.

NT (Theo Kinh tế đô thị)