Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng lộ trình quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ

UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”.



Theo đề án, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 455 chợ, trong đó: 15 chợ hạng 1 (gồm cả chợ đầu mối), 57 chợ hạng 2, 352 chợ hạng 3, 06 chợ đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 25 chợ không phân hạng (thuộc diện di dời, giải tỏa, nằm trên đất ngoài đê, đất cây xanh...). Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị xã hội thành phố và người dân, công tác quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, từ thực tiễn quản lý đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý về công tác an toàn thực phẩm trong chợ. Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh tại chợ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Để làm tốt công tác quản lý, đề án đã xác định rõ các mục tiêu và lộ trình tổ chức thực hiện. Theo đó, đến hết tháng 12/2022, thành phố phấn đấu: 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.

Hết tháng 12/2022, tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 30% so với thời điểm chưa thực hiện đề án trên. Tối thiểu 50% các chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định.

Đến hết tháng 12/2024, toàn thành phố có 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 70% so với thời điểm chưa thực hiện đề án. Tối thiểu 80% các chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Đến hết tháng 12/2025, có 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu đề án trên và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư; 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, cùng với đề ra các nguyên tắc, yêu cầu trong quản lý, thành phố triển khai 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ; tập trung quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các thủ tục pháp lý và các điều kiện kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định.

Cùng với đó, sẽ tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch; thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thành phố và các chợ; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan./.

Theo Cổng GTĐT Hà Nội