Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng liên kết chuỗi: Cần nâng cao trách nhiệm của các bên

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã vận động nông dân phát triển mô hình kinh tế tập thể theo liên kết chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết chưa bền vững, còn nhiều rào cản. Do đó, để phát triển chuỗi liên kết bền vững, giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan.



Ngành nông nghiệp của Hà Nội luôn tập trung xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất. Hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi đã giúp nhiều hộ nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu các khâu từ cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Điển hình như chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) cũng là một trong những mô hình liên kết sản xuất tiêu biểu của Hà Nội...

Về phía địa phương, Quốc Oai là một trong những địa phương phát triển khá mạnh các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2018, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu thành công sang Mỹ. Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm là điều tất yếu cần phải thực hiện nếu các hợp tác xã muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hiện Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với gần 5.500ha rau an toàn được quản lý, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Mặc dù đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi được hình thành nhưng một số chuỗi lại chưa bền vững, còn nhiều rào cản. Nguyên nhân một phần do biện pháp chế tài không đủ mạnh, một số chính sách chậm cụ thể hóa nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, khả năng huy động vốn, tiếp cận nguồn vốn, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển chuỗi còn khó khăn dẫn đến việc mở rộng các chuỗi giá trị còn chậm.

Cùng với đó, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã còn lỏng lẻo, chưa bảo đảm lợi ích và trách nhiệm của các bên...

Để phát triển chuỗi liên kết bền vững, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện.

Riêng phía doanh nghiệp, cần có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm đúng đơn đặt hàng, tạo uy tín cao đối với nông dân.

Để nâng cao hiệu quả và giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều HTX, hộ sản xuất. Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt 30-50%.

Việc thực hiện tốt các chuỗi liên kết trong nông nghiệp cũng là thực hiện tốt tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí nông thôn mới mà nhiều địa phương đang gặp khó khăn./.

 NT (Theo Chinhphu.vn)