Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xác định lợi thế nông nghiệp hữu cơ

Vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020. Qua đó, Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa thành phố nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.



Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa... Về hiệu quả của mô hình trồng lúa theo phương thức hữu cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Phạm Văn Thành cho biết, năm 2012, hợp tác xã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích 5ha. Sau một số vụ triển khai cho hiệu quả kinh tế cao với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg gạo (cao gấp 2 lần so với trồng lúa thông thường), hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, mở rộng diện tích lên 70ha trồng lúa hữu cơ.

Còn ông Nguyễn Đại Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) - một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM-Effective) của Nhật Bản, cho biết: Toàn bộ quá trình chăn nuôi của trang trại thực hiện theo hướng hữu cơ, khép kín nên không xảy ra dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu cung cấp cho thị trường từ 1,2 đến 1,5 tấn với giá bán 150.000-200.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần giá thịt lợn nuôi theo truyền thống...

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng về đất và đối tượng trồng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều nông dân chưa muốn chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình khắt khe, mất thời gian dài để cải tạo đất, chi phí cao... trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định...

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn thành phố có 200-250ha sản xuất theo công nghệ nông nghiệp hữu cơ. Để đạt mục tiêu này, bà Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại du lịch sinh thái Đồng Quê (huyện Ba Vì) cho rằng, Hà Nội cần xác định những vùng có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ để có giải pháp bảo vệ, cải tạo đất. Ở những vùng có tiềm năng như: Ba Vì, Thạch Thất… các ngành chức năng cần đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản.

Về định hướng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố sẽ khảo sát, lựa chọn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên tiến, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với hệ sinh thái, không sử dụng chất hóa học tổng hợp, không dùng công nghệ biến đổi gen. 100% số hộ nông dân, người sản xuất trực tiếp trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố được tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng nhận thức hiểu biết về tiêu chuẩn, tiêu chí nông nghiệp hữu cơ... Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội để có đủ năng lực triển khai sản xuất, kiểm định, cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ.../.

TX (Theo Báo HNM)