Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vựa rau ven sông Hồng tất bật vào vụ mới

Dịch Covid-19 kéo dài 2 tháng qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ tại vựa rau huyện Mê Linh. Bà con nông dân nơi đây đang khẩn trương bắt tay vào canh tác vụ mới với nhiều kỳ vọng.



Gia đình chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong) có 4 sào canh tác rau màu. Khoảng 2 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi thu hoạch nốt chỗ rau cũ để xuống giống mới cho kịp thời vụ. Sau giãn cách, hy vọng việc tiêu thụ sẽ ổn định hơn…” - chị Thắng cho biết.

Tại một vựa rau rất lớn khác của huyện Mê Linh thuộc thôn Đông Cao (xã Tráng Việt), sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra khẩn trương. Thời gian qua, bà con chỉ canh tác cầm chừng. Một số diện tích thậm chí phải tạm dừng sản xuất do việc tiêu thụ rau màu khó khăn.

Vừa chăm sóc những luống rau mới gieo trồng, anh Võ Văn Dương (thôn Đông Cao) vừa chia sẻ, đợt dịch vừa qua khiến doanh thu của bà con ít nhiều bị giảm. Sau nới lỏng giãn cách xã hội, anh hy vọng hoạt động lưu thông, vận chuyển sẽ thông suốt. Giá rau cũng sẽ được cải thiện.

Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Lê Xuân Thành cho biết, toàn xã có hơn 200 ha canh tác rau màu. 2 tháng qua, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường, cung ứng cho thị trường hàng chục tấn rau mỗi ngày. “Hiện, chúng tôi đang vận động bà con tích cực xuống giống vụ mới, phấn đấu gieo trồng hết diện tích hiện có…” - ông Thành thông tin.

Theo thống kê của phòng Kinh tế huyện Mê Linh, vụ Đông 2021, toàn huyện dự kiến canh tác khoảng 1.800 ha rau màu, chủ yếu là su hào, hành tây, các loại rau cải và rau gia vị. Trọng tâm sản xuất vẫn là các xã: Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê…

Thực tế thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu của một bộ phận nông dân bị ảnh hưởng do đầu ra khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh tập trung vận động bà con sản xuất hết diện tích rau màu vụ Đông, tìm lời giải cho bài toán này cũng là vấn đề đặt ra.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ, trên địa bàn huyện Mê Linh đã hình thành được hơn 100 đầu mối thu mua rau củ. Trong bối cảnh bình thường mới, đây vẫn sẽ là kênh tiêu thụ rau màu quan trọng cho các nông hộ.

Một trong những giải pháp khác cho vấn đề này, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô là phát triển những kho lạnh bảo quản. Tuy nhiên, suất đầu tư của kho lạnh là rào cản lớn cần tháo gỡ, khi hầu hết nông dân có nguồn vốn hạn chế.

“Hiện, chúng tôi đang liên hệ với một số doanh nghiệp có kho lạnh để tìm hiểu cơ hội liên kết hợp tác dành cho các tiểu thương. Theo đó, các đầu mối có thể thu mua rau màu của bà con để cung cấp cho đơn vị có kho lạnh để bảo quản…” - ông Đô cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò kết nối tiêu thụ của các sở ngành, nhất là Sở Công thương Hà Nội cần được thể hiện rõ nét hơn. Thực tế trong khoảng 2 tháng qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, lượng rau củ của huyện Mê Linh sản xuất rất lớn, nhưng tiêu thụ chậm và giá rất thấp. Trong khi đó, người dân nội đô có thời điểm phải mua rau củ với giá cao. Đây là nghịch lý mang lại bất lợi cho nhiều bên tham gia chuỗi giá trị nông sản./.

NT (Theo KTĐT)