Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng Hòa: Thu nhập cao từ trồng dưa lưới

Với ý chí ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, Nguyễn Phúc Bách (sinh năm 1992), ở thôn Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa đã thành công với mô hình trồng dưa lưới giống Nhật ứng dụng công nghệ cao (CNC)



Đến thăm vườn dưa lưới của Nguyễn Phúc Bách khi dưa sắp vào vụ thu hoạch, chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết phấn khởi cho biết: “Vụ dưa trước, em thu về hơn 200 triệu đồng. Hàng ra tới đâu bán hết tới đó”.

Chia sẻ về nỗi trăn trở khi mới lập nghiệp, anh Bách kể, suốt mấy năm ròng rã, không ngại khó, ngại khổ, tự mày mò đi học, rồi làm thuê tại nhiều trang trại lớn. May mắn khi đó, anh được tiếp xúc, học hỏi từ nhiều người đã có kinh nghiệm lâu năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC.

Thế rồi, từ số tiền dành dụm ít ỏi, vay mượn người thân và ngân hàng, năm 2018, chàng trai trẻ đã mạnh đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, quy mô 1.000m2 trồng thử nghiệm các loại rau, quả, trong đó có giống dưa lưới Nhật Bản.

Thay vì trồng bằng đất, Bách nhập xơ dừa, các loại phân bón, vật tư... để trồng dưa lưới. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, Bách chọn mua giống ở cơ sở uy tín về trồng, sau đó học hỏi cách tự nhân giống. Vụ đầu tiên, năng suất không cao do cây ra quả vào thời điểm mùa hè, với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên lên tới hơn 40 độ C, trong khi các biện pháp hạ nhiệt trong nhà màng chưa đạt chuẩn nên năng suất chỉ đạt 30% so với dự kiến.

Kiên định với lựa chọn của mình, Bách tiếp tục tìm hiểu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Sau đó, Bách quyết định mở rộng, xây dựng nhà kính trồng rau, quả an toàn quy mô 3.000m2 với 5.500 gốc dưa lưới giống Nhật, tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Không phụ công người, ở lần thử sức này thành công đã tới. Vườn dưa phát triển tốt, trung bình mỗi quả dưa lưới nặng 1,5 - 2kg, giá xuất bán tại vườn 55.000 đồng/kg, đã mang về cho Bách khoản thu nhập 400 triệu đồng.

Thành công ban đầu của mô hình như tiếp thêm động lực cho Bách quyết tâm mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn và tích tụ đất đai. Hiện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa lớn nhưng quy mô sản xuất hộ gia đình lại nhỏ và manh mún. “Thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến chi phí đầu tư lớn, sản xuất nông nghiệp dễ nhiều rủi ro. Trong khi nguồn vốn vay ưu đãi cho các mô hình nông nghiệp CNC quy mô vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận do không có tài sản thế chấp” – Bách tâm sự.

Mô hình trồng dưa lưới CNC của Bách tuy chưa lớn về quy mô nhưng thể hiện tư duy sản xuất mới, có sự liên kết giữa các khâu và đón đầu xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại. Cách nghĩ, cách làm của người trẻ tuổi như Bách đang lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên lựa chọn lập thân, lập nghiệp ở nông thôn./.

NT (Theo KTĐT)