Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng Hòa: Thành công với mô hình nuôi ong lấy mật

Mô hình nuôi ong lấy mật là nghề truyền thống có từ lâu đời ở nước ta, các sản phẩm từ ong như mật, sáp, phấn hoa có giá trị dược liệu và kinh tế cao. Khai thác lợi thế từ thiên nhiên, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu bằng nghề nuôi ong lấy mật, trong đó phải kể đến mô hình của người cựu chiến binh Đặng Đình Phong, xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.



Ông Đặng Đình Phong có thể nói là một trong những người đầu tiên mang nghề nuôi ong về xã Đội Bình. Sau khi xuất ngũ trở về  công tác ở địa phương, nhận thấy hàng năm thiên nhiên cung cấp lượng hoa dồi dào nên ông đã nung nấu ý định nuôi ong. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong nên thời gian đầu ông Phong gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải tự tìm tòi qua sách, vở và nhờ những người bạn nuôi ong có thâm niên lâu năm truyền đạt kinh nghiệm. Sau nhiều năm tìm tòi và học hỏi, hiện nay ông đã làm chủ được kỹ thuật nuôi ong và phát triển lên tới 1000 đàn ong nuôi tại 3 vùng Đà Lạt, Hưng Yên và Hà Nội. Mỗi năm các cơ sở nuôi ong của gia đình cho sản lượng khoảng 25 tấn mật/năm với các loại mật chủ yếu như: mật Mộc Châu, mật Xú Vẹt, mật ong nhãn, mật bạc hà Hà Giang… với doanh thu ước đạt khoảng trên 2 tỷ đồng/năm.

Vốn là thương binh nặng hạng 4/4 với thương tật 25% cơ thể, di chứng của một thời xông pha lửa đạn bảo vệ vùng đất phía Nam của tổ quốc. Phục viên trở về quê hương, sức khỏe suy yếu nhưng chính nghề nuôi ong và sử dụng các sản phẩm từ ong mà dù đã qua tuổi lục tuần nhưng nhìn ông vẫn còn khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Theo ông Phong, nghề nuôi ong hiệu quả cao lại không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt ít tốn công chăm sóc. Mô hình nuôi ong lấy mật không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 10 lao động là các thương, bệnh binh đang sinh sống tại địa phương.

Mật ong được xem là một vị thuốc quý, có thể trị được nhiều thứ bệnh, giúp tăng cường sức khỏe cho con người. Chính vì thế, nhu cầu mua mật ong ngày càng nhiều khiến nguồn cung không đủ cầu, nên cứ mỗi lần đến thời vụ quay mật trang trại của gia đình ông Phong đã có nhiều khách đến đặt. Với mong muốn san sẻ, giúp đỡ phần nào với những gia đình khó khăn, nhất là gia đình các thương, bệnh binh, ông Phong luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm sản xuất với đồng đội và bà con nông dân.

Từ mô hình của gia đình ông Đặng Đình Phong, đến nay đã có 9 cựu chiến binh được ông chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi theo mô hình đã phát triển thành công. Nghề nuôi ong lấy mật đã và đang mở ra hướng làm giàu cho nông dân xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa. Nhưng để nghề này phát triển bền vững cần tạo ra sự liên kết giữa các hộ nuôi ong và quảng bá mật ong rộng rãi để nhiều người biết đến tạo dựng thương hiệu cho mật ong, góp phần tận dụng tiềm năng mà thiên nhiên đã ưu đãi./.

TT