Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng Hòa hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao

Phát huy lợi thế, những năm qua huyện Ứng Hòa đã tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được xem là nhiệm vụ then chốt. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa nông sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.



Ứng Hòa là một trong những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của thành phố Hà Nội với hơn 13.500ha đất canh tác. Để khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng xây dựng những vùng sản xuất tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị canh tác. Năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có sự tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 4.300 tỷ, đạt 97,9% kế hoạch, tăng 6,38% so cùng kỳ năm 2019, chiếm 36,6% tổng giá trị sản sản xuất của huyện.

Là một huyện thuần nông nên cây lúa được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ứng Hòa. Những năm qua, huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh đưa các giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy theo hướng cánh đồng mẫu lớn với quy trình sản xuất đồng nhất. Trong đó, từ năm 2016, nhóm giống lúa chất lượng Japonica của Nhật được UBND huyện chỉ đạo đưa vào sản xuất. Đến nay, huyện Ứng Hòa đang dẫn đầu thành phố Hà Nội về diện tích lúa Japonica (chủ yếu là giống J02) với hơn 3.400ha/vụ, chiếm gần 50% diện tích lúa J02 toàn thành phố. Để vùng lúa Japonica chất lượng cao của Ứng Hòa được mở rộng thì vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết, hỗ trợ là rất lớn. Huyện đã xây dựng được nhãn hiệu gạo chất lượng gạo Khu Cháy, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận và giao cho Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết quản lý nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo của huyện. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, khuyến khích nông dân sản xuất lúa, gạo theo hướng hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) Cao Thị Thủy chia sẻ, tham gia vào chuỗi sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn huyện Ứng Hòa, đơn vị đã cung cấp các dịch vụ: Mạ khay, máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm. HTX đã xây dựng 15 giàn sấy lúa tại xã Hồng Quang để thu mua lúa J02 tươi và xây dựng dự án chuỗi sản xuất - chế biến lúa gạo tại xã Liên Bạt, thu mua, bao tiêu lúa, gạo, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với thế mạnh về chăn nuôi thủy sản, huyện Ứng Hòa đã tập trung phát triển sản xuất theo quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là trên 4.000 ha, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 37.260 tấn, so với cùng kỳ tăng 9,6%, đạt 101% kế hoạch. Huyện đã quy hoạch và phát triển 4 vùng nuôi thủy sản tập trung theo Quyết định 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND Thành phố, với diện tích 2.777 ha; xây dựng được 201 trang trại. Trong đó, 119 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Thành phố và của huyện, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sang mô hình nuôi cá hiện đại, bền vững như mô hình ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP,...

Cùng với phát triển thủy sản, sản phẩm thủy cầm cũng được huyện Ứng Hòa tập trung đầu tư để phát huy lợi thế. Trong đó, có xã Đông Lỗ phát triển mạnh chăn nuôi vịt đẻ với số hộ nuôi có quy mô lớn hàng nghìn con/hộ. Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Đông Lỗ có 11 thành viên, tổng đàn khoảng 65.000 con. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 40.000 quả trứng vịt. Với mục tiêu hướng đến nền sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn, các thành viên trong HTX đã thực hiện chăn nuôi vịt an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAP, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng vừa nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho bà con.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Ứng Hòa ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình rau an toàn trồng trong nhà lưới 5.000m2 tại xã Sơn Công; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại 2 xã Phù Lưu, Hồng Quang với hệ thống tưới tự động, thiết bị cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và các chỉ tiêu nông hóa thổ nhưỡng; mô hình trồng bưởi VietGAP tại xã Đồng Tiến;…

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, huyện Ứng Hòa đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức các diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông”, Hội thảo “Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và các chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Thông qua các hội thảo, diễn đàn, một số sản phẩm chủ lực của huyện đã được các doanh nghiệp, nhà phân phối hợp tác, tiêu thụ, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 Mặc dù có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hiệu quả đạt được hiện vẫn chưa thật sự xứng tầm và còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó đưa công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất; thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các mô hình kinh tế phát triển bền vững, huyện Ứng Hòa tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Từ đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Với mục tiêu phấn đấu, năm 2021 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 4,7%, huyện Ứng Hòa đang tập trung thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, tiếp tục vận động các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, theo hướng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường; Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất quy mô lớn; tiếp tục đồng hành với bà con xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm đưa sản phẩm có thế mạnh của địa phương ra thị trường trong và ngoài thành phố./.

Nguyễn Vàn