Trong nuôi trồng thủy sản giống là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Làm tốt sản xuất giống sẽ giúp tạo ra sản phẩm chất lượng cao sau này, giúp chủ động có nguồn giống tốt cho phát triển sản xuất. Con giống chất lượng được hiểu là con giống sạch bệnh, có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi, chịu đựng môi trường và sức kháng bệnh cao, nhờ đó rút ngắn thời gian nuôi, giảm thiểu dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Khắc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết: Nhằm đảm bảo chất lượng nguồn cá giống, Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội chú trọng chất lượng đàn cá bố mẹ. Công tác nuôi lưu giữ đàn cá giống gốc ở đây được quản lý, ghi chép theo từng đối tượng. Quản lý, chăm sóc, đàn cá bố mẹ được thực hiện giám sát chất lượng theo tiêu chuẩn ngành và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Trạm đã hợp tác với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 về chuyển giao đàn cá bố mẹ, chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình nuôi vỗ, quy trình sinh sản vừa giảm bớt nhân công, tiết kiệm đàn cá đực vừa cải thiện chất lượng con giống, đáp ứng yêu cầu của người nuôi. Trên thực tế khi áp dụng cải tiến quy trình nuôi vỗ, thời gian nuôi vỗ rút ngắn được 18 ngày so với quy trình cũ, tỷ lệ ra cá bột của quy trình là 40.000con/kg cá cái, tăng 22.000con so với quy trình cũ.
Thời gian ương nuôi cá thường được thả với mật cao, mật độ thả lên tới 250 con/m2, sinh khối trong ao cũng tăng lên từng ngày, gây thiếu oxi dẫn đến cá ăn kém, chậm lớn và tỷ lệ sống thấp. Chính vì vậy đã đảm bảo môi trường cho ương nuôi đạt hiệu quả thì việc áp dụng các biện pháp nhằm tạo môi trường tối ưu cho cá sinh trưởng và phát triển tốt được Trạm đặc biệt chú trọng.
Theo ông Ông Chu Quang Kiệm – Phụ trách Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản, Trung tâm PTNN Hà Nội: Môi trường là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong quá trình sản xuất nuôi trồng thủy sản. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản được hình thành chủ yếu do phân của tôm, cá, thức ăn thừa, xác tảo tàn, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi. Khi chất thải trong ao nuôi nhiều đến một mức độ nhất định sẽ tạo ra những nguy cơ rất lớn về dịch bệnh cho tôm cá trong ao, do đây là nguyên nhân chính làm phát sinh một số loại khí độc như H2S, NH3… gây hại cho tôm, cá. Mặt khác, sự lắng tụ chất thải trong ao không chỉ làm hẹp không gian sống của tôm, cá mà nơi đây chính là ổ chứa mầm bệnh là nấm, vi khuẩn, virut sinh sôi và phát triển. Do đó, xử lý chất thải trong ao nuôi trồng thủy sản luôn được quan tâm hàng đầu, Trạm đã sử dụng trống lọc công suất lớn có tác dụng lọc vật lý, tự động loại bỏ cặn bẩn, chất thải đầu vào hoặc đầu ra của nước qua lưới lọc mịn của hệ thống. với công nghệ này, chất bẩn hầu như được loại bỏ ngay từ ban đầu của hệ thống lọc và loại bỏ một cách triệt để, vì các mắt lưới được thiết kế từ 100-300 Micron.
Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng con giống và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất sẽ bảo đảm nguồn giống cung ứng cho thị trường, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản thủ đô phát triển nhanh và bền vững./.
Nguyễn Vàn