Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có từ hơn 1.000 năm trước. Ngay từ khi mới ra đời, lụa Vạn Phúc đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng bởi sự khéo léo, tinh tế của bàn tay và tâm hồn người thợ kết tinh vào trong từng tấm vải. Lụa Vạn Phúc có đặc điểm mặc mùa hạ thì mát, mùa đông thì ấm. Vì vậy, lụa Vạn Phúc thường xuyên được dùng cung tiến cho các vua quan để may phẩm phục. Lụa Vạn Phúc cũng đã 2 lần được người Pháp mang đi đấu xảo tại Paris và Marseille vào năm 1932 và 1938.
Trong thời kỳ hội nhập, nghề dệt lụa Vạn Phúc ngày càng phát triển, trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của đất Hà Nội. Lụa Vạn Phúc giờ đây không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tới tay những người tiêu dùng bốn phương.
Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp nghề dệt lụa ở Vạn Phúc, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề và cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức và Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 được diễn ra từ ngày 26/10 đến hết ngày 02/11/2023 với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc, hấp dẫn như: Lễ rước tôn vinh Tổ nghề với chủ đề “Cội nguồn văn hóa làng nghề”; Hội thi và trưng bày ảnh về Vạn Phúc; Hội thi Sản phẩm thiết kế sáng tạo tiêu biểu; Trình diễn áo dài với chủ đề “Duyên dáng lụa Hà Đông”…
Không gian Hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống Hà Nội sẽ có sự hiện diện của nghệ nhân và sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng như: Làng gốm Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm); làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín); làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) và các làng nghề của Hà Đông như: Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo...
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác như: Biểu diễn ca trù, múa rối nước, thi và trải nghiệm viết thư pháp, trò chơi dân gian, trải nghiệm ẩm thực…
Thông qua Tuần Văn hóa, Ủy ban nhân dân quận Hà Đông mong muốn được truyền thông, quảng bá với du khách trong và ngoài nước, nhân dân các địa phương về nét văn hóa đặc sắc của làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc, qua đó phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quận Hà Đông trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; nâng cao và phát triển vị thế của công nghiệp văn hóa Thủ đô và quận.
Trong đêm khai mạc, chính quyền, nhân dân quận Hà Đông và phường Vạn Phúc đã vinh dự đón Giấy chứng nhận Nghề dệt lụa Vạn Phúc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. UBND phường Vạn Phúc đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của TP. Hà Nội./.
Nguyễn Vàn