Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội: Đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp thủ đô

Là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp thủ đô. Với sự nỗ lực của cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị, Trung tâm đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả.



Triển khai thực hiện Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội, năm 2020, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện 11 mô hình chuỗi, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho các chuỗi. Qua đó, đã giúp cho các đơn vị tham gia chuỗi thực hiện tốt việc liên kết, đồng bộ giữa các khâu từ cơ sở chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo kết quả đánh giá của Viện Khoa học phát triển nông thôn thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, Dự án đã thể hiện rõ các hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt đã tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người sản xuất kinh doanh trong liên kết sản xuất theo chuỗi; Dự án thành công nhiều so với mục tiêu ban đầu và rất phù hợp với thành phố Hà Nội trong yêu cầu về cung cấp thực phẩm sạch an toàn.

Đối với lĩnh vực phát triển cây ăn quả, thực hiện Kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2025, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã lựa chọn làm điểm ghép cải tạo những vườn bưởi già cỗi, vườn bưởi kém hiệu quả bằng những giống bưởi có hiệu quả kinh tế cao hơn như giống bưởi Đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân với quy mô: 7 ha tại xã: Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Nam Phương Tiến, Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Phú Cường (huyện Sóc Sơn). So với năm 2018 trước khi thực hiện kế hoạch diện tích cây bưởi trên toàn TP Hà Nội đạt hơn 5.700 ha, đến năm 2020 diện tích cây bưởi của Hà Nội tăng 25,3% ước đạt gần 7.700 ha, năng suất quả tăng 13,5% (25,0 tạ/ha), sản lượng tăng 42,1% (45.384 tấn). Hiệu quả kinh tế cho người sản xuất đạt gần 600 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó,Trung tâm đã chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, kỹ thuật cho người dân về quản lý, chăm sóc cây có múi. Nội dung đào tạo, tập huấn đặc biệt chú trọng đến hướng dẫn ngoài thực địa, thực hành tại vườn. Qua đó đã giúp cho cán bộ, nông dân chủ trang trại, nhà vườn không những nâng cao kiến thức trong quản lý, tổ chức sản xuất mà còn áp dụng vào thực tiễn trong việc chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây bưởi tại vùng sản xuất về kỹ thuật trồng và thâm canh cây bưởi đạt hiệu quả cao nhất.

Được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội giao là đơn vị chính triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Trung tâm đã phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tiến hành các thí nghiệm hoàn thiện quy trình canh tác lúa Ja-po-ni-ca. Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ tại Hà Nội là cơ sở kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất. Khảo nghiệm bổ sung 5 giống lúa gồm ĐS1, Vaas16, J01, J02, lựa chọn được 1 giống bổ sung vào cơ cấu là J01 và 1 giống lúa có triển vọng là Lộc trời 604. Kết quả khảo nghiệm các giống lúa Japonica tại Hà Nội gồm J01, ĐS1, Vaas16, Lộc Trời 604 và giống J02 là giống đối chứng. cho thấy hầu hết các giống đều phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác tại Hà Nội, cho năng suất cao, chất lượng tốt, trong đó đề xuất giống J01 vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội và giống Lộc Trời 604 là giống triển vọng.

Ngoài ra, năm 2020, Trung tâm đã triển khai thực hiện 20 mô hình khảo nghiệm, thực nghiệm trên lĩnh vực cây trồng; Thí nghiệm, thực nghiệm đánh giá tập đoàn và chọn dòng các giống lúa thuần chất lượng cho Hà Nội: Kết quả đã xác định được một số giống triển vọng có tiềm năng năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, các loại sâu bệnh hại, phù hợp với cơ cấu ở các vùng sản xuất lúa ngoại thành Hà Nội và các khu vực lân cận

Theo bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội: Hiện nay, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đang nỗ lực triển khai thực hiện công tác khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo kế hoạch năm 2021 được phê duyệt; Hoàn thiện, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với các doanh nghiệp để gia tăng tính cạnh tranh và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tiếp tục triển khai các kế hoạch Phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội, sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu, giai đoạn 2021 – 2025./.

                                                                                 Nguyễn Vàn