Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Trung tâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở triển khai thực hiện 18 dạng mô hình khuyến nông, trong đó trồng trọt 11 dạng mô hình; chăn nuôi, thủy sản 07 dạng mô hình.
Tiêu biểu như mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy vụ xuân: Mô hình đã hỗ trợ sản xuất 54.000 khay mạ giống TBR225, Thiên Ưu 8, J02 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấy lúa bằng máy cho 200ha tại 4 huyện: Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai. Lúa cấy bằng máy sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân đạt từ 55-60 tạ/ha, cao hơn 10-15% so với cấy tay truyền thống. Chỉ tính riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ dược, cấy tay truyền thống giảm từ 4.000.000 - 5.500.000 đồng/ha. Mặt khác, gieo mạ khay cấy máy ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là cơ sở để phát huy vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp, thúc đẩy việc hình thành các tổ dịch vụ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung tạo điều kiện để liên kết tiêu thụ sản phẩm, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trong lúc thời vụ.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy vụ mùa tại các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đông Anh; Mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp quy mô 150 tấn nguyên liệu, thực hiện tại các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Oai; Mô hình thâm canh bưởi theo VietGap quy mô 6ha, thực hiện tại 2 điểm Tân Lập huyện Đan Phượng; Cát Quế huyện Hoài Đức; Mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh, quy mô 250ha, thực hiện tại 6 điểm: Thanh Văn – Thanh Oai; Hòa Phú - Ứng Hòa; Phú Nam An - Chương Mỹ; Mỹ Thành - Mỹ Đức; Phú Sơn, Sơn Đà - Ba Vì;...
Về mô hình cơ giới hóa, các điểm thực hiện mô hình đã triển khai mua 05 máy cấy lúa 4 hàng và 6 hàng, 35 máy làm đất đa năng công suất <10HP, 3 dây truyền Kubota gieo mạ khay.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm Trung tâm đã tập trung khảo sát, chọn điểm, chọn hộ; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ ban đầu, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chuẩn bị chuồng, trại, ao nuôi, tổ chức các bước đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp giống, vật tư phục vụ các mô hình chăn nuôi thủy sản, bao gồm mô hình chăn nuôi bò sinh sản, mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn, mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGap, mô hình nuôi thủy sản áp dụng công nghệ Sông trong ao, mô hình nuôi Chạch thương phẩm.
Đối với công tác quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ khuyến nông thành phố, 6 tháng đầu năm Giám đốc Quỹ Khuyến nông đã ký hợp đồng cho vay 109 phương án với số tiền cho vay 31,476 tỷ đồng và hiện đã giải ngân được 105 phương án với số tiền giải ngân là 30,426 tỷ đồng. Ngoài ra, đã tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên hoạt động quỹ khuyến nông đối với các hộ đang sử dụng vốn vay Quỹ khuyến nông, đặc biệt đối với các hộ vay vốn phát triển sản xuất đang chăn nuôi lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chỉ đạo các Tiểu ban quỹ khuyến nông tập trung đôn đốc thu hồi nợ đến hạn và quá hạn, 6 tháng đầu năm đã thu hồi được nợ quá hạn của 24 hộ với số tiền 1,052 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các mô hình khuyến nông trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đang thực hiện. Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để tăng cường chăm sóc lúa Mùa và cây trồng trong điều kiện nắng nóng, chủ động phòng, trừ dịch bệnh, phòng chống mưa bão, ngập úng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo cho các mô hình đạt được theo yêu cầu; Tăng cường công tác tuyên truyền khuyến nông, tuyên truyền về lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất – tiêu thụ, giới thiệu các chuỗi sản xuất – tiêu thụ đã được chứng nhận, các địa chỉ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, … Tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn theo kế hoạch và đảm bảo chất lượng; Tập trung khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các vùng sản xuất tập trung, vay vốn mua máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất; tổ chức thẩm định và giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân; tập trung đôn đốc thu hối vốn, phí quản lý đến hạn đầy đủ, kịp thời; tích cực giải quyết các trường hợp nợ vốn quá hạn; Tập trung chỉ đạo các tổ công tác xây dựng dự thảo Chương trình khuyến nông giai đoạn 2020-2025 và Quyết định của UBND Thành phố về quy định một số nội dung chi và mức hỗ trợ đối với hoạt động khuyến nông trên địa bàn Thành phố hoàn thành theo đúng tiến độ để báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội; Tăng cường rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ phù hợp với năng lực cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ./.
TX (TH)