Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển vọng từ mô hình trồng nấm Tú Trân tại xã Đưng K’Nớ

Đưng K’Nớ - huyện Lạc Dương là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất cây cà phê. Một năm thu hoạch một lần, lợi nhuận không nhiều, vì thế đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.



Để giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, phá thế độc canh cây cà phê, trong năm 2018, xã Đưng K’ Nớ đã triển khai 3 mô hình thí điểm trồng nấm Tú Trân hay còn gọi là nấm sò, nhằm đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo điều kiện cho các hộ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản sạch bền vững có chất lượng; qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững.

Là đối tượng mới, lần đầu tiên được đưa vào địa phương sản xuất nên UBND xã Đưng K’Nớ quyết định chọn 2 cán bộ đoàn thể của xã và 01 hội viên sản xuất giỏi để làm điểm sau đó nhân rộng trong nhân dân. Đây là những hộ đảm bảo các điều kiện về địa điểm, nguồn nước và nguồn nhân lực để thực hiện mô hình với diện tích mỗi hộ 500m2. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch Việt Tân Phúc ở Măng Lin - thành phố Đà Lạt hỗ trợ mỗi hộ 600 bịch phôi nấm. Về phía hộ tham gia mô hình mỗi hộ đóng 30 triệu đồng kinh phí làm nhà, giàn để phôi nấm, hệ thống tưới phun sương và công chăm sóc. Kỹ thuật chăm sóc nấm Tú Trân không đòi hỏi quá cao phù hợp với trình độ canh tác của bà con, nên khi được tham gia mô hình các hộ rất phấn khởi. Ông Bon Niêng Ha Đăng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đưng K’Nớ người trực tiếp tham gia mô hình cho biết: “Điều kiện khí hậu ở xã Đưng K’Nớ rất thích hợp để trồng nấm Tú Trân, chăm sóc loại nấm này không khó chỉ cần mình chịu khó tưới nước, đảm bảo được độ ẩm”.

Theo ngành chuyên môn thì nấm Tú Trân là một thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, lại không có chứa chất béo, hàm lượng calo thấp. Trồng loại nấm này không khó, cũng không vất vả, ai cũng có thể trồng thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... Do đó, điều kiện đầu tiên là nhà trồng nấm phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm phải đảm bảo trên 85%. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm trên các giàn sắt không bị ngã đổ, nhất là khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4-5 lần. Khâu rạch bịch để nấm phát triển cũng rất quan trọng, đòi hỏi phải đúng kỹ thuật thì nấm mới phát triển và đạt chất lượng. Phôi nấm sau khi đưa về khoảng 4 -5 ngày sợi nấm sẽ ăn xuống đáy bịch khi đó phải rạch 6-8 đường dài khoảng 5-6 cm, các đường rạch phải đều, so le nhau. Các kỹ thuật chăm sóc nấm không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của các nông hộ thực hiện mô hình. Vì vậy, trong quá trình thực hiện mô hình, tất cả các kỹ thuật từ chọn phôi nấm, đến khâu làm nhà, chăm sóc, rạch bịch, tưới nước và thu hoạch đều được cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Việt Tân Phúc hướng dẫn và giám sát thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo cho nấm phát triển tốt mà không bị sâu bệnh. Nhờ tuân thủ các quy trình sản xuất đã được hướng dẫn nên sau một tháng triển khai nấm phát triển tốt, đạt chất lượng đúng theo yêu cầu đề ra. Hiện mỗi ngày, các hộ thu hoạch nấm từ 1 đến 2 lần, sáng và chiều, mỗi ngày thu được từ 10 đến 20kg. Với giá bán 30 nghìn đồng một kg, tính ra mỗi tháng các hộ thu về từ 7 đến 8 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hiện tại, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch Việt Tân Phúc đang là “bà đỡ” về nguyên vật liệu cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con tham gia mô hình. Bên cạnh đó, sản phẩm sau khi thu hoạch cũng được các hộ đem bán cho bà con có nhu cầu ở địa phương. Chị Hà Thị Lê ở Thôn 1 - xã Đưng K’Nớ chia sẻ: “Nấm này rất dễ trồng, dễ chăm sóc chỉ cần mình khéo léo, chịu khó thì việc làm giàu từ cây trồng này rất khả quan”.

Nấm Tú Trân là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chi phí đầu tư ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng tin mua. Do đó, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng một cách rộng rãi, các cấp, các ngành cần mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về trồng nấm cho bà con ở địa phương, nhằm nhân rộng mô hình, giúp các hộ gia đình nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện tiếp cận với cách thức làm giàu từ nguồn vốn đầu tư ít, góp phần xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế. Hiện tại ngoài 3 hộ tham gia mô hình, xã Đưng K’Nớ có 02 hộ đang chuẩn bị các điều kiện để đưa phôi nấm về trồng. Được biết, Hội Nông dân huyện cũng đang triển khai mô hình trồng nấm cho 8 hộ ở xã Đạ Chais từ nguồn vốn của quỹ hộ trợ nông dân.

Mô hình trồng nấm Tú Trân không đòi hỏi quá cao về khoa học công nghệ, quy trình trồng nấm phù hợp với trình độ của nông dân là người dân tộc thiểu số. Mặt khác, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Đưng K’Nớ rất phù hợp với nấm, hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng về nấm ngày càng cao, vì vậy thị trường tiêu thụ khá ổn định. Đây là điều kiện rất thuận lợi để mở rộng và phát triển việc trồng nấm Tú Trân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, để việc trồng nấm không dừng lại ở mô hình thí điểm mà phải được nhân rộng ra, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương thì ngoài sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, người dân cần phải có sự mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi một số diện tích cây ngắn ngày sang trồng nấm. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần phải có sự hướng dẫn, định hướng kịp thời việc sản xuất cho bà con. Đặc biệt là phải tạo được mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy thì việc thực hiện mô hình thí điểm mới đạt được mục đích là đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác và giúp người dân ổn định cuộc sống./.

Phạm Phương (Lạc Dương)