Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi giai đoạn 2020 – 2025

Nhằm hạn chế, khắc phục những thiệt hại do Bệnh dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) gây ra, ngày 11/8/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 5319/BNN – TY về tổ chức triển khai Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 – 2025.



Theo văn bản, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 944 xã của 44 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 40.000 con lợn. Hiện nay, cả nước còn 183 xã của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày. Nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, do đặc điểm của virut DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng, thời tiết thay đổi gây bất lợi cho đàn lợn, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.

Ngày 07/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 972/QĐ – TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia về phòng, chống bệnh DTLCP, giai đoạn 2020 – 2025”, để khẩn trương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch, Bộ NN&PTNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung triển khai thực hiện những nội dung cơ bản sau:

Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại Kế hoạch quốc gia nêu trên, những biện pháp cụ thể tại các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, văn bản của Bộ NN&PTNT và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y, lưu ý, thời điểm công bố hết dịch là 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết vì bệnh DTLCP, đồng thời đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo quy định. Tổ chức Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh DTLCP tại địa phương; tại các địa phương có dịch cần thường xuyên tổ chức sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và vệ sinh để tiêu diệt mầm bệnh.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi để bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, còn ở diện hẹp, xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh, cần có kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh được UBND cấp tỉnh phê duyệt, chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả.

Khẩn trương xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP của địa phương. Kế hoạch của địa phương phải cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của kế hoạch quốc gia, các địa phương xây dựng kế hoạch và gửi về Bộ NN&PTNN (Cục Thú y) trước ngày 15/9/2020 để tổng hợp, phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và biện pháp, phòng, chống./.

Đặng Diện (tổng hợp)