Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển khai Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây năm 2023

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND về việc triển khai Đề án Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2023.



Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm (gọi tắt là ATTP), bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện Đề án: bố trí đầy đủ nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động liên quan đến việc triển khai Đề án. Tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án đến các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố. Định hướng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây thực hiện đúng quy định pháp luật về ATTP từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường và tới tay người tiêu dùng, đảm bảo ổn định sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn sốc xuất xứ, chất lượng, điều kiện đảm bảo ATTP... xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng). Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố và nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây của các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.

Thành phố đặt mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố có đăng ký kinh doanh theo quy định; 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm chất lượng lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng).

Thành phố thường xuyên rà soát, cập nhật hệ cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án, nắm thực trạng hoạt động kinh doanh của trái cây của các cửa hàng để xây dựng kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định; Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm trái cây tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định.

Đặc biệt, Thành phố kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện; các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn.

UBND Thành phố giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện Đề án năm 2023. Thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, nhiệm vụ phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo, hướng dẫn, quyết định./.

NT (TH)