Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trai Hà Thành bỏ nghề giáo viên, "bén duyên" với cá..."tên lửa"

Từng là giáo viên, anh Nguyễn Khắc Đông (SN 1979) mạnh dạn thôi nghề giáo chuyển hướng sang làm nông nghiệp, cụ thể là nuôi cá tầm, cá hồi-loài cá có cái đầu nhọn như tên lửa. Hiện anh đang sở hữu trang trại nuôi cá hồi, cá tầm có quy mô hơn 2.000m2 tại xã Nấm Dần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.



Là chàng trai gốc Hà Nội, anh Nguyễn Khắc Đông đã từng có tuổi trẻ gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” nơi địa đầu Tổ quốc-huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Nhưng rồi những ngã rẽ mới và khát vọng vươn lên làm giàu, khát vọng tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng đã khiến anh quyết định từ bỏ nghề giáo để tập trung mở doanh nghiệp, nuôi cá nước lạnh: cá tầm, cá hồi.

Trang trại cá hồi của anh Đông nằm ở dưới chân Đèo Gió, giữa một vùng núi non vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Nơi đây có những con dốc đổ dài từ trên núi, mang theo những dòng nước trong sạch, mát lành rất phù hợp để cá nước lạnh sinh trưởng.

Dẫu điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy, nhưng từ trước tới nay cũng chưa có ai đầu tư xây dựng trang trại nuôi loài “cá quý tộc” như anh Đông. Cũng dễ hiểu, vì đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao ở thôn Nấm Dẩn vẫn còn nhiều khó khăn, chật vật. Trong khi đó, để xây dựng được một trang trại nuôi cá nước lạnh-nuôi cá hồi, cá tầm thì chi phí đầu tư cũng không phải là con số nhỏ.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng trại cá tầm, cá hồi, anh Đông giới thiệu trang trại lúc đầu rộng khoảng hơn 1.000m2, trong đó có 6 bể nuôi cá tầm, cá hồi với gần 800m2 diện tích mặt nước. Chỉ tính nguyên số lượng xây dựng này đã “ngốn” mất của anh hơn 2 tỷ đồng. Ngay thời điểm này, anh đang tiếp tục đầu tư san gạt, mở rộng thêm hơn 1.000m2 mặt nước nữa để nuôi thêm cá tầm, cá hồi.

Anh Đông cho biết, toàn bộ giống cá được nuôi ở đây là cá tầm và cá hồi Na Uy. Nếu như cá tầm có thể chịu nước đục, chịu nóng khá tốt bởi sức đề kháng khỏe thì cá hồi lại là loài cá vô cùng khó tính, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán chỉ đạt khoảng 60-70% đã là thành công.

Loài cá tầm này chỉ sinh trưởng trong môi trường nước sạch, nhiệt độ dưới 24 độ C, đảm bảo đầy đủ khí oxy. Thức ăn cho cá tầm là loại thức ăn chuyên dụng nhập khẩu, và không được cho cá ăn no quá, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Cá hồi cũng rất dễ nhiễm khuẩn và mắc bệnh ngoài da nên người nuôi phải thường xuyên tắm muối cho chúng. Khi cá có dấu hiệu nhiễm bệnh thì lập tức phải dùng thuốc chuyên trị để xử lý. Tất cả những điều này đòi hỏi quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm rất kĩ lượng và không hề dễ dàng với người mới vào nghề.

Chính vì vậy, khi mới bắt đầu nuôi cá tầm, cá hồi, anh Đông đã từng phải trả giá khi lứa cá đầu tiên bị chết mất gần vạn con giống. Trong quá trình làm thì kỹ thuật của người thợ cũng chưa được sát sao nên đã đôi lần bị vỡ bể, hệ thống mái che chưa hoàn thiện dẫn đến việc cá bị thất thoát.

“Khi nhập cá tầm, cá hồi giống và thả thì cá mới chỉ bằng hạt hướng dương, sau quá trình nuôi khá dài cá đã lớn bằng ngón chân cái thì bỗng nhiên chết hàng loạt. Lúc đó, mình gần như bỏ hết công việc khác để vào đây. Có những đợt ở liền trong trại 14-15 ngày, râu dài ra nhưng quyết định vẫn ở lại để nghiên cứu về quy trình sống của con cá, cách ăn, cách sống, cách tạo oxy cho cá. Vậy nên, nếu không yêu, không quyết tâm và kiên trì với nghề thì không bao giờ thành công được”, anh Đông tâm sự.

Để thử nghiệm và làm quen với thị trường, anh Đông đang áp dụng phương pháp nuôi cấy bậc thang, chia cá ra làm nhiều cấp độ. Sau mỗi lứa cá được thị trường chấp nhận rồi thì tiếp tục nuôi lứa tiếp theo với số lượng nhiều hơn.

Trong giai đoạn đầu tiên sau hơn 1 năm, toàn bộ số bể trong trang trại hiện nay cho năng suất khoảng 12-13 tấn/năm. Anh Đông tiết lộ, số lượng cá này chỉ đủ để phục vụ riêng thực khách trong tỉnh Hà Giang. Tới đây, sau khi hoàn thành việc mở rộng quy mô trang trại, anh phấn đấu mỗi năm đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 35-40 tấn cá tầm, cá hồi.

Dám nghĩ dám làm, hiện các hoạt động của trang trại cá nước lạnh dưới chân Đèo Gió của anh Đông đã đi vào ổn định. Đây không chỉ là mô hình kinh tế được đánh giá tốt mà còn là địa điểm ghé thăm của nhiều du khách khi đến với huyện Xín Mần.

Anh Đông cũng đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho nhân công địa phương với mức thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.  

Trao đổi với chúng tôi, anh Đông khẳng định việc mình chọn gắn bó với cá hồi, cá tầm là “duyên”, và cũng gần như một lần đánh cược bởi mức độ nguy hiểm.

Để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc, anh đã đầu tư kiên cố hệ thống đập tràn và hệ thống thoát nước cũng như nghiên cứu địa hình rất kỹ lưỡng trước khi hạ trại. Anh cũng khẳng định, việc mở rộng quy mô trại nuôi cá tầm, cá hồi sẽ kéo theo chi phí con giống và thức ăn rất lớn nên phải quyết tâm và có nguồn lực hỗ trợ.

Anh Đông bồi hồi nhớ lại thời điểm năm 2016, khi bản thân quyết định dừng công việc của một người thầy giáo để mở doanh nghiệp kinh doanh nước sạch anh đã khiến người thân lo lắng, còn những người xung quanh thì bảo gàn dở. Nhưng cuối cùng doanh nghiệp của anh đã có những thành công./.

NB (Theo Báo NTNN)