Số liệu thống kê cho thấy, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 3 là 0,80 tỷ m3; tổng cộng lượng xả của cả 3 đợt là 4,24 tỷ m3. Cụ thể, đợt 1: 1,00 tỷ m3, đợt 2: 2,44 tỷ m3, và đợt 3: 0,80 tỷ m3). Tổng lượng xả so với kế hoạch trong đợt 3 thấp hơn khoảng 0,63 tỷ m3, trong khi tổng hợp cả 3 đợt thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp &PTNT) Lương Văn Anh cho biết, kết thúc đợt lấy nước thứ ba từ các hồ chứa thủy điện, tổng diện tích đã lấy được nước toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là hơn 503.235/506.558 ha, đạt khoảng 99,4% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các diện tích còn lại sẽ tiếp tục được địa phương cấp đủ nước bằng trạm bơm dã chiến.
Nhìn chung, công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước được thực hiện sâu sát, quyết liệt góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy nước. Tuy nhiên, để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, đại diện Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, tổng kết công tác lấy nước vụ Xuân 2022, rút kinh nghiệm để triển khai công tác lấy nước tiết kiệm, hiệu quả hơn trong những năm tới.
Riêng đối với Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, đại diện Tổng cục Thủy lợi đề nghị cần đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ Xuân 2022. Triển khai khẩn cấp xây dựng trạm bơm dã chiến Liên Mạc, trạm bơm dã chiến Trung Hà. Đồng thời, sớm quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số công trình lấy nước trên địa bàn thành phố để bảo đảm đủ năng lực theo kịp tiến độ lấy nước của các địa phương khác trong khu vực về lâu dài./.
NT (Theo Báo KTĐT)