Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tình hình lúa cỏ và biện pháp phòng trừ

Theo thông báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực Vật Hà Nội, hiện tượng lúa cỏ đã phát sinh và gây hại một số diện tích lúa tại Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất tỷ lệ trung bình 0,5-1%, cao 5-7%, trên các giống VNA6, HDT8, KD18, ST25, Bắc Thịnh,… Diện tích bị hại 55,5ha (trong đó diện tích vào ngưỡng thống kê – nhiễm nhẹ 4 ha).



Lúa cỏ có khả năng sinh trưởng rất mạnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa trồng. Hạt lúa cỏ có râu và dễ rụng (sau khi trỗ 15 ngày, khi hạt lúa vào chắc là bắt đầu rụng hạt, mức độ rụng hạt càng tăng khi đến giai đoạn chín, tỷ lệ rụng hạt trung bình là 50%, nhiều dòng lên đến 90%), dẫn đến năng suất lúa giảm. Hạt lúa rụng là nguồn lây nhiễm, phát tán gây hại ở vụ sau, năm sau.

Do vậy để hạn chế sự gây hại của lúa cỏ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, điều tra phát hiện, theo dõi diễn biến, mức độ gây hại của lúa cỏ để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, đặc biệt ở những diện tích đã bị lúa cỏ gây hại ở vụ trước.

Khi lúa trỗ được 5-7 ngày (trỗ thoát) dùng liềm cắt bỏ hết những bông lúa cỏ đem tiêu hủy triệt để. Tuyệt đối không tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Đối với những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ cần thu hoạch riêng, khoanh vùng (đắp bờ ngăn, chăng lưới mắt nhỏ trên ruộng) và xử lý bằng các biện pháp canh tác để hạn chế hạt lúa cỏ trên đồng ruộng, giảm việc phát tán, lây lan ở những vụ sau./.

TX (TH)