Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tìm đầu ra cho nông sản sạch: Cần đẩy mạnh kết nối giao thương

Để hỗ trợ các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản sạch, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn thông qua các cuộc hội thảo, triển lãm hàng nông sản.



Mặc dù, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao như diện tích đất sản xuất tương đối lớn, hơn 150.000 ha. Nhưng trên thực tế, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội lại còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức quy mô nhỏ, phạm vi gia đình nên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa xứng tầm nông nghiệp Thủ đô của cả nước.

Hiện nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội mới chỉ đạt 25%; trong đó, với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt tỷ lệ 17,9%, chăn nuôi đạt 33,5% và thủy sản 13%. Trong khi đó các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đó là diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tương đối lớn, trên 150.000ha.

Nhưng Hà Nội mới chỉ quan tâm đến ứng dụng kết quả nghiên cứu chứ chưa chú trọng hình thành địa chỉ giới thiệu sản phẩm, chưa có vùng gắn kết sản xuất với thương mại.

Để thúc đẩy phát triển giao thương, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội và ngược lại, từ hai năm nay Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các chương trình, hoạt động xúc tiến công nghiệp, thương mại, nông nghiệp với nhiều hình thức đổi mới, thiết thực và hiệu quả. Các chương trình kết nối được xây dựng có kế hoạch và tổ chức với quy mô cấp tỉnh hoặc cấp vùng, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Trong 2 năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương đưa nông sản, đặc sản các vùng miền về với Hà Nội và ngược lại. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm cho vùng miền khác mà còn kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng trong tháng 1/2018, chương trình đã thu hút gần 30 doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu biểu của 3 tỉnh, thành phố trên với các sản phẩm như gạo Tám (Điện Biên), gạo Séng Cù (Lào Cai), chè Suối Giàng (Yên Bái)... Sản phẩm được giới thiệu và trưng bày là những sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Bà Hoàng Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green (tỉnh Điện Biên) cho hay, gạo là đặc sản của Điện Biên, nhiều người dân Thủ đô mong muốn tiêu dùng sản phẩm này, nhưng trên thực tế, đã có tình trạng là người dân mua phải các sản phẩm nhái thương hiệu gạo Điện Biên. Do đó, Công ty mong muốn được liên kết, kết nối với các doanh nghiệp của Hà Nội, tạo thành chuỗi tiêu thụ vừa tìm đầu ra ổn định cho nông sản Điện Biên vừa giúp người dân Thủ đô được tiêu thụ sản phẩm thật với giá cả hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Yên Phú (thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã gồm các sản phẩm rau củ quả mang đặc trưng vùng miền, gồm rau an lá, rau gia vị, quả… sản xuất theo mùa vụ. Hiện tại, các sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ trong các cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã cũng đang liên hệ, ký kết hợp đồng bao tiêu đưa rau an toàn vào chuỗi các siêu thị của Hà Nội và các bếp ăn tập thể của địa phương.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để phát triển được sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao thì xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ đang là yêu cầu bức thiết đặt ra. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất ở quy mô lớn hơn thì rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, với nhu cầu ngày càng lớn về sản phẩm an toàn, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, cho sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, do tình trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên đầu ra cho các sản phẩm chưa bền vững khiến cho các hộ nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới, Sở NN&PTNN Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.../.

 

NT (Theo Chinhphu.vn)