Hiện nay, thành công lớn nhất của ngành Nông nghiệp Thủ đô là phát triển nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo đó, đến nay, thành phố đã có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.
Hiệu quả rõ nhất từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là ở lĩnh vực trồng trọt, thành phố tập trung ứng công nghệ nhà màng, nhà lưới; công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, Blockchain truy xuất nguồn gốc, nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp… Trong chăn nuôi, tập trung áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn, uống tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo… Đối với thủy sản, ứng dụng kỹ thuật "sông trong ao", sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo ô xy tự động…
Trong bối cảnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống xã hội đang rất mạnh mẽ và phổ biến hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Theo đó, Hà Nội đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, phấn đấu đưa Hà Nội là địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần rà soát quy hoạch nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường...
Một vấn đề quan trọng nữa là chú trọng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, cấp có thẩm quyền cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng website quảng bá sản phẩm, tiếp cận thông tin phản hồi của người tiêu dùng để tạo thế cạnh tranh...
Đối với người sản xuất, cần thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để xây dựng thương hiệu cho nông sản, kết hợp với tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng./.
NB (Theo Báo HNM)