Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thường Tín: Phát triển nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả cao

Trong những năm qua, huyện Thường Tín luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân cũng như phong trào xây dựng Nông thôn mới.



Theo ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện đã tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội. Đồng thời sớm quy hoạch phát triển vùng sản xuất, tận dụng lợi thế từng khu vực để khai thác tối đa giá trị đất cũng như xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, kết hợp với việc thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.

Toàn huyện có tổng diện tích trồng lúa trên 5 nghìn ha, với cơ cấu sản xuất chính của huyện là hai lúa và một vụ đông. Cơ giới hóa được thực hiện 100% ở khâu làm đất và thu hoạch lúa, có 100 ha diện tích lúa được cấy bằng máy. Năm 2018 giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt 118 triệu đồng/ha, gấp 1,25 lần so với năm 2010. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng lúa hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô từ 100 ha đến 200 ha, điển hình như: Xã Thắng Lợi, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Văn Tự…

Bên cạnh đó huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau an toàn, với diện tích 355 ha tại các xã: Tân Minh, Hà Hồi, Vân Tảo, Văn Phú... xây dựng và phát triển các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap. Huyện cũng duy trì vùng cây ăn quả diện tích trên 327 hécta trồng các loại cây: Cam canh, bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối tây nuôi cấy mô... tập trung ở các xã Chương Dương, Tự Nhiên, Thư Phú, Dũng Tiến.

Huyện Thường Tín còn phát triển vùng nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, với diện tích trên 1.000 ha tại các xã Nghiêm Xuyên, Tiền Phong, Lê Lợi, Thư Phú... Ngoài ra, Thường Tín cũng phát triển vùng trồng hoa cây cảnh, tập trung ở các xã: Vân Tảo, Hồng Vân, Thư Phú, hàng năm cung cấp hàng vạn sản phẩm hoa đào, cây cảnh phục vụ cho thị trường dịp tết Nguyên Đán. Cùng với đó huyện quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó tăng thu nhập cho nông dân, như nhãn hiệu tập thể khoai tây Thường Tín, dưa chuột Ba Lăng, thương hiệu hoa cây cảnh Nội Thôn... Chính vì vậy, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp huyện hàng năm tăng từ 2% đến 3%.

Ngoài ra, huyện Thường Tín cũng tạo điều kiện cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín đã xây dựng được 14 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 5 chuỗi liên kết cung cấp thực phẩm nông sản an toàn.

Theo bà Trương Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thực hiện chủ trương chuyển đổi, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, thời gian qua, xã Vân Tảo đã chuyển đổi mô hình sản xuất, khuyến khích nông dân phát triển mô hình trồng đào cảnh.  Đến nay, toàn xã Vân Tảo có khoảng 900 hộ, với gần 100 ha diện tích trồng hoa đào, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Thai và thôn Nội Thôn. Ước tính mỗi ha diện tích trồng đào cũng cho người dân thu nhập từ 900- 1 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Vân Tảo đạt trên 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Trên cơ sở hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ cây lúa sang phát triển mô hình trồng hoa đào, UBND xã Vân Tảo đã quy hoạch và định hướng nhân rộng vùng trồng đào để nâng cao đời sống cho bà con trong xã.

Bà Uông Thị Phượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, trên cơ sở xác định lợi thế của từng vùng, huyện Thường Tín đã đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển về trồng trọt, chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở phát huy lợi thế của từng xã. Từ đó huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh tập như: cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, lúa hàng hòa ở các xã. Đồng thời, để đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản an toàn, huyện cũng đã hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: canh tác cải tiến SRI, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất. Từ các chương trình hỗ trợ của huyện giá trị kinh tế hàng hoá cũng được tăng lên, điển hình như giá rau ở các vùng sản xuất chuyên canh cao hơn so với giá rau các vùng thông thường từ 10% – 15%, chuối Tiêu hồng năng suất tăng  14%, cá năng suất tăng 12% – 15%.

Có thể thấy, công tác chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Thường Tín được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, giải quyết lao động việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về“Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Thường Tín đã có sự liên kết, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân./.

NT (Theo Chinhphu.vn)