Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.



Theo báo cáo tại Hội nghị, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, đến nay đã xây dựng và phát triển trên 200 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao với diện tích khoảng 40.000ha, hình thành vùng sản xuất rau 5.044 ha đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Vùng sản xuất cây ăn quả với diện tích 4.300 ha, sản xuất theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, 47 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 1.800 ha. Phát triển 76 xã chăn nuôi trọng điểm; Thành phố hiện có 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích trên 7.299 ha, năng suất đạt từ 10 – 12 tấn/ha/năm. Xây dựng và phát triển 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Thành phố đã triển khai được 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình lĩnh vực thủy sản…giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Thành phố.

Trong lĩnh vực trồng trọt, có gần 130 ha trồng rau ứng dụng nhà lưới, gần 50ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, việc canh tác hoa đã bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, có trên 1.000 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỷ lệ chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn, 87% số trại chăn nuôi bò sữa và trên 50% số trại chăn nuôi bò thịt; trên 75% số trang trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas.

Trong nuôi trồng thủy sản, các hộ sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu như làm giàu oxy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ Biofloc…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các ý kiến về thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. Các ý kiến tập trung vào chính sách cơ giới hóa, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, chính sách tập trung ruộng đất cho các hộ, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; các vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Đặng Diện