Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.



Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chăn nuôi lợn được coi là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Thống kê năm 2022 có 81 DN FDI đầu tư vào chăn nuôi với tổng số vốn 2,2 tỉ USD, chiếm 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm ba lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Điều này làm giá thành sản xuất chăn nuôi lợn vẫn ở mức cao, trong khi giá xuất chuồng có thời điểm giảm khá sâu, khiến lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm, ảnh hưởng tới khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng các đàn vật nuôi.

6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD, tăng 103,0% về lượng và tăng 117,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu tăng 13,0% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Ngoài ra, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia. Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất được 6.833 con.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Năm 2022, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể chỉ phục vụ thị trường với 98 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Để xuất khẩu được thì các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu được thịt lợn, một trong những yêu cầu hiện nay là phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 ha có thể chuyển sang trồng ngô, đậu tương... để có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ký kết với một số doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi./.

NB (Theo Mard.gov.vn)