Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 557 trang trại sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín, 26 trang trại sử dụng dây chuyền cho ăn uống tự động, 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động, 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trong quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc như đòi hỏi nguồn vốn lớn, quỹ đất rộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030 của thành phố, căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được thành phố phê duyệt cũng như thực trạng sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần chú trọng định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất như giao thông, điện, nước, xử lý môi trường...
Qua đó, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng chuồng trại ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Cùng với đó, xây dựng phương án tổ chức chăn nuôi công nghệ cao phù hợp với thực tiễn sản xuất và điều kiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, ở các vùng chăn nuôi tập trung có đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Về phía các trang trại cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín; tự động hóa các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường... Qua đó thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững./.
NB (Theo Báo KTĐT)