Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thị xã Sơn Tây phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp

Năm 2020, thị xã Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; diện mạo thị xã ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của thị xã Sơn Tây đã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, đồng thời, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thị xã.



          Dẫn đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn, thăm quan trại gà Mía giống của Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội), Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, thị xã đặc biệt coi trọng phát triển theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao. Thị xã đã hình thành được mô hình liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ gà Mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; mô hình nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật Kim Sơn. Ngoài ra, thị xã còn một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao như: Trồng hoa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Viên Sơn; chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn; nuôi cá trắm đen tại xã Thanh Mỹ...

          Đối với giống gà Mía, đặc sản của xã Đường Lâm, những năm qua, Thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở NN&PTNT tập trung khôi phục giống, hỗ trợ tổ chức sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu gà mía Sơn Tây nhằm bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà quý này, đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại địa phương. Ông Nguyễn Duy Vụ – Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội)  cho biết: Hiện nay, tại Xí nghiệp đang nuôi bảo tồn hàng chục ngàn con giống "bố mẹ". Từ con giống gốc chất lượng, hàng năm, xí nghiệp đã nhân được hàng triệu con gà Mía giống, cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại, gia trại trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

          Thăm cánh đồng trồng sâm Bố Chính của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm tại xã Thanh Mỹ. Đây là mô hình rất mới ở Hà Nội. Để trồng sâm, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm đã thuê lại diện tích 5ha đất đồi gò, bán sơn địa của nông dân xã Thanh Mỹ và đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Cây sâm trồng được 3 tháng đang phát triển rất tốt, đã cho thu hoa, lá, cành để sản xuất trà và mỹ phẩm... Dự kiến, sau 1 năm trồng sâm sẽ cho thu củ. Ông Lê Văn Long – Bí thư đảng ủy xã Thanh Mỹ cho biết: Vùng đất này trước đó người dân dùng để trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Để triển khai được mô hình, năm 2020, Ủy ban Nhân dân xã Thanh Mỹ phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm vận động người dân cho thuê đất. Hiện tại, Hợp tác xã đang tạo việc làm cho khoảng 20-30 lao động địa phương. Mô hình bước đầu được đánh giá tốt. Xã Thanh Mỹ đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, mô hình cho hiệu quả cao sẽ góp phần thúc đẩy chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã.

          Thăm thực tế mô hình sản xuất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao hiệu quả của các mô hình. Những mô hình này cần được chính quyền các cấp hỗ trợ từ khâu giống, quy trình sản xuất và thị trường... để phát triển hơn nữa.

          Với mô hình chăn nuôi gà Mía, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nghiên cứu, chuyển giao đến các hợp tác xã khu vực miền núi phía Bắc có địa hình gần giống vùng thị xã Sơn Tây để phát triển chăn nuôi gà Mía. Đối với mô hình trồng sâm Bố Chính, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm nên nghiên cứu các phương thức tích tụ ruộng đất, trong đó có việc nông dân sử dụng chính thửa đất của mình để góp cổ phần với hợp tác xã. Có cổ phần, kinh doanh hiệu quả, nông dân sẽ hào hứng tham gia hợp tác xã.

          Từ hiệu quả của các mô hình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thị xã Sơn Tây cần tiếp tục khai thác lợi thế địa phương để phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đối với thành phố Hà Nội, cần tiếp tục xác định lợi thế của Thủ đô để chọn giống cây trồng, vật nuôi vừa có giá trị cao, vừa bảo đảm về cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

          Phát huy những tiềm năng, lợi thế cùng với định hướng đúng đắn và quyết tâm cao của chính quyền địa phương, thị xã Sơn Tây đang hiện thực hóa Kế hoạch thực hiện Chương trình số 09 của Thị ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao thị xã Sơn Tây giai đoạn 2021 - 2025” gắn với Chương trình số 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”./.

                                                                                                Lưu Phượng