Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thị trường thực phẩm cuối năm: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Hơn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đã tăng cao so với các tháng trước. Hiện nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định, song theo ngành Nông nghiệp, các trang trại, doanh nghiệp... cần tập trung chăm sóc đàn vật nuôi theo hướng an toàn để hạn chế dịch bệnh phát sinh; các địa phương tăng cường kiểm soát giá cả thị trường để không xảy ra “sốt” giá cục bộ.



Tập trung nguồn hàng phục vụ Tết

Những ngày này, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang tập trung nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Lâm, ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, gia đình ông nuôi 400 lợn thịt và 90 lợn nái, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ đưa ra thị trường hơn 100 tấn thịt với giá ổn định khoảng 50.000 đồng/kg. Còn ông Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) thông tin, trang trại đang nuôi 2.000 con gà ta. Năm nay, nguồn cung dồi dào, giá gà ta ổn định ở mức hơn 100.000 đồng/kg...

Cùng với các trang trại, hộ chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp đang huy động tối đa nguồn lực cho thị trường Tết Nguyên đán. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Ðăng Phú cho biết, Vissan tự chủ được 10% nguyên liệu, phần còn lại được bảo đảm bằng các hợp đồng liên kết với nhiều công ty, trang trại chăn nuôi lớn. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó có thịt lợn không thiếu, giá cũng khó tăng cao… Còn Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, đơn vị đã hoàn tất việc chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán, số lượng tùy mặt hàng tăng từ 10% đến 30%, giá bán cơ bản ổn định.

Về nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Dương Tất Thắng thông tin, thời điểm này, đàn lợn của cả nước đã lên tới 28 triệu con, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%... Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%... Nguồn cung thực phẩm trong nước và nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nên giá thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không tăng cao.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo nhu cầu

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản, trong đó có thịt lợn, thịt bò, thịt gà sẽ tăng cao. Do đó, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh bám sát cung cầu thị trường, chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để tình trạng “đột biến” về giá. Theo Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, dịp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua sẽ không bằng năm trước nên tùy theo tín hiệu của thị trường, công ty sẽ chuẩn bị đủ nguồn hàng để bán tại 6 cửa hàng cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn và thực hiện các hợp đồng đã ký kết với đơn vị.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 786 chuỗi liên kết cho thị trường. Cùng với đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa với hình thức phù hợp, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại tìm “đầu ra” cho nông sản. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Đào Văn Hồ cho biết, nhu cầu về nông sản, thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên việc lưu thông, cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại hiện đại...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm không để phát sinh dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm; đồng thời tổ chức các hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán một cách phù hợp. Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung cũng như nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao... để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát./.

NB (Theo Báo HNM)