Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Khánh Thượng

Tính đến hết năm 2017, xã miền núi Khánh Thượng (Ba Vì) có 9 tiêu chí đạt nông thôn mới, 6 tiêu chí cơ bản đạt. Để có thể về đích nông thôn mới, Khánh Thượng còn nhiều bài toán phải giải và rất cần nguồn lực quan tâm tiếp theo của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì.



Theo đồng chí Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, các tiêu chí chưa đạt của xã là thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa và hộ nghèo, đó là những tiêu chí rất khó thực hiện.

Năm 2015, Khánh Thượng là một trong những xã được hưởng lợi từ việc hỗ trợ của các quận nội thành của thành phố về xây dựng nhà văn hóa, đến nay 6 nhà văn hóa đã được xây dựng và sử dụng và toàn xã còn 7 nhà văn hóa cần nguồn vốn đầu tư của nhà nước để được xây dựng và trung bình mỗi nhà văn hóa thôn trị giá khoảng 2 tỷ đồng, tổng 7 thôn cần nguồn vốn là 14 tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Thịnh, hiện nay xã đã quy hoạch 1,5 ha để xây dựng trụ sở UBND xã, nhà văn hóa trung tâm, sân vận động, tất cả chỉ cần nguồn vốn đầu tư của các cấp và xây dựng tổng thế để đạt tiêu chí nông thôn mới. Ông Đinh Văn Đào, Trưởng thôn Bưởi cho biết “Hiện nay nhà văn hóa thôn được xây dựng từ những năm 2008, công trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về hoạt động chung của cán bộ và nhân dân trong thôn, vì vậy rất cần sự quan tâm của nhà nước để thôn Bưởi có nhà văn hóa trong những năm tới”. 

Đối với tiêu chí thu nhập, tính đến hết năm 2017, xã Khánh Thượng có mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 19 triệu đồng/người/năm. Tính đến hết năm 2017, tổng đàn lợn toàn xã có 7482 con giảm 52,2%  so với năm 2016. Đàn trâu: 420 con giảm 3,7% con với năm 2016; Đàn bò: 945 con, tăng 13,3% so với năm 2016. Đàn gia cầm: 56.000 con tăng 3,7% so với năm 2016. Thuỷ sản, diện tích nuôi cá 19 ha. Sản lượng ước đạt 46 tấn, giảm 2,2% so với năm 2016. Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã, trong năm 2017, đã có một số doanh nghiệp đề nghị với xã tuyên truyền, vận động nhân dân về việc thuê đất, thuê nhân công làm việc trực tiếp trên diện tích đất canh tác của doanh nghiệp sau khi thuê đất, nhưng nhiều nông dân chưa đồng thuận, nếu như doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch thì sẽ góp phần nâng cao đời sống của người nông dân. Cũng theo ông Thành, trên địa bàn, nhiều diện tích vườn đồi đã được bà con nông dân chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng cây ăn quả.

Chị Nguyễn Thị Thoa, ở thôn Ninh cho biết thêm “Trên diện tích vườn nhà khoảng 6 ha, trước đây chỉ trồng măng và sắn, nay tôi đã bố trí trồng các cây ăn quả có giá trị trên thị trường đó là 1 ha măng bát độ, 1 ha bưởi và 4 ha cam, 300 gốc chanh, mỗi năm cây ăn quả cho tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng”.

Tiêu chí tiếp theo mà Khánh Thượng còn gặp khó khăn là tiêu chí chợ, hiện nay xã Khánh Thượng đã có diện tích 4.500 mét vuông ở thôn Sơn Hà, dự kiến năm 2018, huyện Ba Vì sẽ đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng chợ cho xã Khánh Thượng. Tiêu chí cuối cùng mà xã Khánh Thượng còn gặp khó khăn là tiêu chí hộ nghèo, năm 2017, vừa qua, xã đã làm tốt công tác giảm nghèo với chỉ tiêu huyện giao là giảm 61 hộ thì xã đã giảm được 75 hộ. Với nguồn vốn thế chấp từ  ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì là 24 tỷ đồng, sẽ là nguồn vốn quan trọng để xã giúp hộ nghèo trong xã thoát nghèo, xã cũng chỉ đạo, các hội, đoàn thể thoát nghèo có địa chỉ rõ ràng…

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết thêm, hiện nay xã cũng đã xây dựng quy hoạch khoảng 5.000 mét vuông, diện tích này đấu giá sẽ có thêm nguồn thu để xã đối ứng với đầu tư xây dựng cơ bản của huyện, từng bước xây dựng thêm các công trình trường học mầm non Khánh Thượng An, một số tuyến đường nội thôn ở Phú Thứ, Khánh Chúc Bãi, Gò Đình Muôn, từ đó hoàn thành thêm các tiêu chí cơ bản đạt./.

Hồng Đạt - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì