Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh Oai: Hiệu quả từ công tác xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, với sự chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, việc triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện Thanh Oai đã đạt được những kết quả quan trọng. Cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới.



Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ trọng yếu, khâu đầu tiên để chỉ đạo thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện Thanh Oai đã đa dạng các hình thức tuyên truyền như: thông qua các cuộc phát động, hội nghị triển khai, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, thông qua hệ thống truyền thanh, bản tin nội bộ, các chuyên mục trên cổng thông tin điện tử, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tiểu phẩm, xây dựng phòng truyền thống, phòng trưng bày, triển lãm tranh, ảnh, sách báo tại các địa phương....

Trong 10 năm qua, việc xây dựng NTM trên địa bàn đã được cán bộ, nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn, những người con xa quê tích cực hưởng ứng, ủng hộ bằng tiền mặt, các công trình, hiện vật, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các công trình phúc lợi, mở rộng đường… Đến nay, huyện đã huy động được 393,045 tỷ đồng, trong đó 193,967 tỷ đồng tiền mặt; 102.229 ngày công lao động, 3.525m2 đất thổ cư, 1.893m2 đất nông nghiệp, nhiều công trình hiện vật với giá trị quy ra tiền 156,298 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 đạt 48,56 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 6 lần so với năm 2010). Các hộ nghèo trên địa bàn đều được quan tâm hỗ trợ xây sửa nhà ở, tư liệu sản xuất, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… để ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Hàng năm, huyện đã tổ chức hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 18.000 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo, trẻ mồ côi với kinh phí gần 15 tỷ đồng; trên 1.500 lượt sinh viên được miễn giảm học phí với kinh phí hơn 04 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.343 nhà ở cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí 6,748 tỷ đồng.

Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã cho 576 hộ nghèo, 1.012 hộ cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất với tổng kinh phí 37,059 tỷ đồng. Kết quả: cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 11,42%; đến 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,57%. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 0,78% (sau khi đã trừ đi các đối tượng thuộc bảo trợ xã hội), cận nghèo là 3,05%. Dự kiến, đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 0,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,95%; hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy đã đề ra.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2020, đã bố trí 4.728,951 tỷ đồng; xây mới, cải tạo, nâng cấp 44,66km đường giao thông trục xã, liên xã; 112,11km đường liên thôn; 215,46km đường ngõ xóm, 297,86km đường trục chính nội đồng; nâng cấp, cải tạo kiên cố hóa 6,96km kênh mương cấp 3; cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới 77 lượt trường học; xây dựng và cải tạo, sửa chữa 94 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; cải tạo hệ thống truyền thanh không dây tại 21/21 xã, thị trấn; xây dựng, cải tạo mới 22 điểm thu gom rác thải; cải tạo và xây dựng mới 19 trụ sở xã;… Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 99,1% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 88,32% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; 87% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch;… thu nhập bình quân đầu người đạt 48,56 triệu đồng (tăng 40,6 triệu đồng so với năm 2010); đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,78%.

Kết quả, đến nay có 20/20 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và 01 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; qua rà duyệt tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới huyện Thanh Oai có 8/9 tiêu chí đạt, 01 tiêu chí cơ bản đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp - xây dựng, hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - khai thác tiềm năng kinh tế của huyện, duy trì phát triển làng nghề gắn với du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất, sản xuất vùng chuyên canh tập trung, thực hiện việc sản xuất theo hướng thực hành tốt VietGap, ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa sản xuất, đạt giá trị gia tăng cao trên diện tích canh tác, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cấy trồng vật nuôi theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, bền vững. Xây dựng mỗi xã có ít nhất một sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn (OCOP) trở lên, đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định. Tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, làm tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo quy hoạch./.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)