Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tháng 1/2020, Việt Nam nhập 10.151 tấn thịt gia súc, gia cầm

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, việc tái đàn mới chỉ ở giai đoạn đầu, Việt Nam đang phải nhập khối lượng lớn thịt các loại để bù đắp thiếu hụt thị trường trong nước.



Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 600 doanh nghiệp nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Việc nhập khẩu thịt động vật nói chung và thịt lợn nó riêng được Bộ NN&PTNT đánh giá là rất thông thoáng, theo đúng quy định của Việt Nam, của các nước và thông lệ quốc tế.

Thống kê cho thấy, trong năm 2019, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tổng cộng 280.474 tấn thịt động vật các loại (tăng khoảng 17% so với năm 2018). Riêng trong tháng 1/2020, tổng sản lượng thịt các loại được nhập khẩu từ các nước là 10.151 tấn.

Riêng khối lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 1/2020 là 4.535 tấn và có xu hướng tăng so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn từ các quốc gia lần lượt là: Đức (25,3%), Ba Lan (20,52%), Canada (16,79%), Hoa Kỳ (12,4%)…

Theo Bộ NN&PTNT, việc nhập khẩu thịt lợn hiện đang gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, thời gian nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia chậm. Dự kiến từ giữa tháng 2/2020, thịt lợn mới về đến Việt Nam. Nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ hiện còn nhiều rào cản.

Đáng chú ý, tại Trung Quốc - quốc gia bị thiệt hại rất nặng nề do dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn trong nước hiện rất cao nên các doanh nghiệp nước bạn sẵn sàng mua lợn nhập khẩu với giá cao hơn các doanh nghiệp Việt Nam từ 20 - 30%. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó trong việc nhập khẩu thịt lợn./.

TX (Theo Báo KTĐT)